Trồng đậu đỗ là cốt lõi của sự bền vững

Ngày Đậu đỗ Thế giới năm 2023 nêu bật tầm quan trọng của việc canh tác đậu đỗ, và nhấn mạnh hoạt động sản xuất đậu đỗ là cốt lõi của sự bền vững.

Một chợ giao dịch đậu đỗ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Một chợ giao dịch đậu đỗ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Theo FAO, từ châu Phi cận Sahara đến châu Âu và châu Mỹ Latinh, việc sản xuất và tiêu thụ các loại đậu đỗ làm tăng khả năng phục hồi của các hệ thống canh tác và cải thiện cuộc sống của nông dân.

Sau lễ kỷ niệm thành công Năm Quốc tế về Đậu đỗ vào năm 2016, vào ngày 10 tháng 2 hàng năm, Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp quốc (FAO) đã lấy chính ngày 10/2 thường niên làm Ngày Đậu đỗ Thế giới.

Chủ đề năm nay mang tên  “Đậu đỗ vì một tương lai bền vững”, nhấn mạnh cách mà đậu đỗ – loại hạt ăn được của các loại cây họ đậu như đậu tương, đậu lăng, đậu Hà Lan và đậu xanh… đang tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống canh tác và cải thiện cuộc sống người dân nhờ lượng nước thải thấp, khả năng chịu hạn và khả năng chống lại các thảm họa liên quan đến khí hậu.

Ngoài ra, đậu đỗ còn thể trở thành động lực tích cực trong việc đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, cho phép người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm bổ dưỡng và góp phần sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng giám đốc FAO, Khuất Đông Ngọc cho biết: “Các loại đậu đỗ có đóng góp theo nhiều cách khác nhau vào việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm nông nghiệp của chúng ta và có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Ông Khuất nói thêm: “Các loại đậu đỗ có thể góp phần tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống canh tác và giúp cải thiện đa dạng sinh học của đất và là thành phần quan trọng của nhiều hệ thống cây trồng”.

Bằng chứng là, khi thế giới phải đối mặt với những thách thức đáng kể đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng, ví dụ như sâu bệnh xuyên biên giới, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu, các loại đậu đỗ có thể là một phần quan trọng của chuỗi lương thực- thực phẩm, vì chúng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng, lại có thể được lưu trữ được lâu dài.

Việc sản xuất đậu đỗ tạo ra cơ hội kinh tế cho nông dân sản xuất nhỏ vì chúng thường mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với ngũ cốc. Đặc biệt, chúng hỗ trợ độ màu mỡ của đất nhờ khả năng cố định nitơ từ không khí và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón tổng hợp, đồng thời chống lại tác động của các cú sốc khí hậu, chẳng hạn như hạn hán hoặc mưa lớn.

Theo các chuyên gia, khi ngũ cốc được trồng gối sau các vụ đậu đỗ trong hệ thống cây trồng nông nghiệp, chúng có thể cho năng suất cao hơn 1,5 tấn trên mỗi ha so với ngũ cốc trong hệ thống độc canh.

Hơn nữa, chúng có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách tăng khả năng lưu trữ carbon của đất, cũng như phục hồi đất bạc màu và thoái hóa. Tất cả đều có lợi cho an ninh lương thực, dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.

Sự đóng góp của các loại đậu đỗ vào chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giới hạn ở hàm lượng protein cao (gấp hai đến ba lần lượng có trong hạt ngũ cốc), hay hàm lượng calo và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà chúng cung cấp, mà còn ở hàm lượng chất béo thấp và nhiều chất xơ.

Do các loại đậu đỗ hỗ trợ hầu như mọi khía cạnh của tính bền vững, nên việc đưa chúng vào các hệ thống nông sản chính là chìa khóa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

 

Theo Kim Long (báo Nông Nghiệp Việt Nam nongnghiep.vn)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận