Kết nối nhà khoa học với HTX và doanh nghiệp nhỏ

Ngày 6/10, tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAA) đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo cho HTX và doanh nghiệp nhỏ ngành hàng rau hoa quả (HCIC), thu hút sự tham dự của đông đảo HTX và doanh nghiệp nhỏ đến từ nhiều địa phương.

Sự kiện này do VAAS phối hợp với Chương trình Aus4Innovation – Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) tổ chức.

Giá trị chưa cao do hàm lượng khoa học thấp

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS chia sẻ, hiện nay, nhiều HTX, doanh nghiệp đã tự nguyện hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp. Họ đã nhận ra việc phát triển chuỗi giá trị sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó giảm tối đa tình trạng “giải cứu” nông sản.

Tuy vậy, phần lớn các chuỗi nông sản vẫn hoạt động có hiệu quả thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Các HTX và doanh nghiệp nhỏ đang gặp nhiều khó khăn thách thức khi đầu tư vào sản xuất rau hoa quả. Đó là, chưa có hệ thống hạ tầng đồng bộ, thiếu các trung tâm đầu mối lớn để bán và giới thiệu sản phẩm. Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng có hiệu quả vào quá trình sản xuất. Chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các HTX và các nhà khoa học để các nhà khoa học nghiên cứu giống, tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo đặt hàng của các HTX”, PGS.TS. Đào Thế Anh nhận định.

Bà Trần Hương Giang, Quản lý hợp tác thương mại hóa khoa học thuộc Chương trình A4Innovation của Đại sứ quán Úc cho hay, A4Innovation với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chương trình A4Innovation với ngân sách 11 triệu đô la Úc tài trợ không hoàn lại, triển khai trong thời gian từ năm 2018 – 2022. Đối tác của dự án bao gồm: Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc, các Viện nghiên cứu và trường đại học của Việt Nam và Úc.

Trước khi triển khai tại Việt Nam, một Chương trình Kết nối đổi mới sáng tạo trong ngành sản xuất của Úc cũng đã thực hiện tại Úc. Kể từ tháng 9/2014 đến nay, đã có 1.375 doanh nghiệp ở Úc sử dụng 1.412 dịch vụ thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo. Trước khi tham gia chương trình, 86% các doanh nghiệp nói họ chưa bao giờ làm việc với ngành nghiên cứu và họ rất cần phát triển các mối quan hệ ngành này. Đến nay, 94% số doanh nghiệp tham gia cho biết họ hài lòng với kết quả của dự án, họ đã được kết nối với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học để được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Ngành rau quả nhiều tiềm năng cho đổi mới sáng tạo

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc VAAS) cho biết, ngành hàng rau hoa quả hiện chiếm tỷ trọng 12% giá trị sản lượng (quy tiền) và 10% giá trị xuất khẩu hàng năm. Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm rau hoa quả sang gần 60 nước trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt xấp xỉ 4 tỷ USD và liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước trung bình 10-20%. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương giúp cho sản phẩm rau quả của Việt Nam sẽ được bán rộng rãi hơn trên thị trường quốc tế.

Ngành hàng rau hoa quả chiếm 8% diện tích canh tác cây nông nghiệp, nhưng giải quyết việc làm cho 18% lao động làm nông nghiệp, khoảng 4 triệu người có thu nhập cao và ổn định. Việt Nam có nguồn gen cây trồng rất phong phú, từ đó có thể chọn lọc được nhiều chủng loại, giống cây ăn quả, rau, hoa đặc sản mà ở các nước, các vùng lãnh thổ khác không có.

Nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, đã có thương hiệu uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế. Việt Nam đã có chính sách cho phép chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, do vậy có điều kiện để phát triển các vùng sản xuất rau hoa quả tập trung cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu tươi hoặc chế biến xuất khẩu.

Thời gian qua, đã có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao tới các HTX và doanh nghiệp nhỏ sản xuất rau quả, như: ghép quả non cho bưởi cành; cắt tỉa cành cho nhãn ra hoa; thụ phấn bổ sung cho cây; bao quả cho cây ăn trái; trồng rau trong nhà màng; trồng rau mầm; trồng rau thủy canh; trồng dưa lưới không dùng đất; trồng rau bằng mảng pasline; sử dụng công nghệ nuôi cấy mô; hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm cho cây hoa…

Ông Đông cho rằng, nhiều tiến bộ kỹ thuật đang nằm trong các viện nghiên cứu khoa học rất có triển vọng chuyển giao tới các HTX và doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

“Bởi vậy, cần tăng cường liên kết hợp tác giữa các HTX với các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm. Việc hình thành và thúc đẩy các HTX và doanh nghiệp, các viện nghiên cứu tích cực tham gia vào HCIC sẽ giúp các HTX và doanh nghiệp luôn chia sẻ, tiếp nhận, ứng dụng và chủ động đổi mới sáng tạo ra những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, từ đó không ngừng phát triển”, ông Đông nhấn mạnh.

TS Hoàng Thanh Tùng, đại diện VAAS cho biết, HCIC được thành lập nhằm kết nối các nhà nghiên cứu khoa học với các HTX và doanh nghiệp nhỏ nhằm hoạch định chính sách để hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ mới trong ngành rau quả. Qua đó, tạo ra một diễn đàn để chia sẻ thông tin về công nghệ mới, cơ hội hợp tác, kinh doanh, thương mại hóa công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh của các thành viên. CLB cũng hướng tới tạo ra cơ sở dữ liệu về công nghệ đổi mới và tạo điều kiện cho việc chuyển giao, thương mại hóa công nghệ mới cho các hội viên CLB.

HCIC được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự cân đối, tuân thủ theo quy định pháp luật của Nhà nước; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên CLB.

Chu Khôi

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận