Sơn La một thập kỷ leo đồi: [Bài 2] Hành trình đưa quả mận đi châu Âu
Chuyện ở hợp tác xã đầu tiên của Việt Nam đưa được quả mận hậu sang châu Âu.
Sau đúng 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, bức tranh nông nghiệp Sơn La hôm nay có nhiều thành tựu. Loạt bài là những ghi chép ở những vùng đất, gặp gỡ những con người đã góp phần làm nên kỳ tích mà nhiều người vẫn gọi là hiện tượng nông nghiệp Sơn La.
Trước khi lên Phiêng Khoài gặp Bùi Phương Thanh, tôi được ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Sơn La tiết lộ: Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu do Bùi Phương Thanh sáng lập chính là hợp tác xã đầu tiên của Việt Nam đưa được quả mận hậu xuất khẩu đi EU. Mới rồi đây là 10 tấn vào thị trường các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp và Cộng hòa Séc…
Lạ ở chỗ, cô gái sinh ra ở Phiêng Khoài ấy vốn đang là giáo viên cấp 3 ở Mường La, trước đó gần như không biết gì về nông nghiệp, vậy mà một tay có thể gầy dựng Noọng Piêu trở thành một trong những hợp tác xã thành công nhất ở tỉnh Sơn La bây giờ.
Người kể chuyện mận Phiêng Khoài
Phiêng Khoài là tên mới của xã biên giới huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, một xã vùng cao giáp ranh với nước bạn Lào. Nghe kể lại, tên cũ của vùng đất ấy là Phiềng Khoai, theo tiếng Thái nghĩa là bãi chăn thả trâu bò. Xa xưa vốn là nơi sinh sống của đồng bào người Thái, người Mông, người Xinh Mun ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
Những năm 1970, người Kinh dưới Kim Động, Ân Thi của Hưng Yên lên đây khai hoang, cùng với đồng bào thành lập các nông trường trồng chè và chăn nuôi đại gia súc. Dấu tích một thời gian khó vẫn còn hiện hữu qua tên làng, tên bản.
Ví như chỗ Hang Mon, xưa là bản người đồng bào Xinh Mun, chẳng hiểu nguyên cớ gì lại gặp phải một căn bệnh lạ, người trong bản cứ chết dần chết mòn, phải kéo nhau đi chỗ khác, để lại cái tên hao mòn. Dân khai hoang đến ở đọc chệch đi thành Hang Mon ngày nay, cũng là nơi Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu chọn làm điểm đóng chân.
Từ Ngã ba Cò Nòi đi vào hướng Tà Làng độ hai chục cây số, vùng cao biên giới Phiêng Khoài hiện ra với núi đồi bạt ngàn cây trái, những bản làng khang trang, hiện đại. Bùi Phương Thanh nói, tất cả đều là nhờ tiền bán mận, bán nhãn, nhờ cây ăn quả mà bộ mặt khá giả của Phiêng Khoài hôm nay thay thế đói nghèo ngày trước. Có những gia đình trên này sở hữu khoảng 500 gốc mận hậu, mỗi năm chăm sóc chơi chơi cũng thu tiền tỷ dễ như trở lòng bàn tay.
Trước hết, sơ qua đôi nét về mận hậu Phiêng Khoài. Xưa nay nhiều người nghĩ thứ quả ấy là đặc ân của tạo hóa dành cho cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) hay cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai), hóa ra không phải. Duyên phận nào đó đã đưa nó đến với Phiêng Khoài, vùng đất xen lẫn với núi đá vôi mà Thanh kể, khoảng 20 năm về trước, trồng mận ở đây chủ yếu là lấy củi. Cho đến một ngày, chẳng hiểu có phải vì biến đổi khí hậu, đất đai, cây trồng ra làm sao mà mận trên núi đá Phiêng Khoài đậu quả. Chẳng những thế, đó lại còn là thứ quả ngon hơn rất nhiều so với ở Bắc Hà hay Mộc Châu.
Cùng một loài giống ấy mà mận hậu Phiêng Khoài quả to, cứng giòn, phấn cực kỳ dày, ăn vào rất ngọt và đậm vị. Một số người giải thích, là vì Phiêng Khoài có độ cao phù hợp nhất, trong đất có nhiều vi khoáng từ núi đá, mùa đông rất lạnh nhưng lại kèm theo hanh khô bởi ảnh hưởng của gió Lào nên mới sinh ra thứ mận “đã ăn mận hậu ở Phiêng Khoài rồi thì không muốn ăn ở bất cứ nơi nào khác nữa”.
Nhưng, cũng giống như biết bao số phận của trái cây đặc sản, quả mận Phiêng Khoài cũng có câu chuyện riêng, cũng ba chìm bảy nổi, rất lắm thăng trầm. Dù diện tích lên đến hơn 2.500ha, chiếm 1/6 diện tích trồng mận ở Sơn La nhưng quả mận ở Phiêng Khoài không phải khi nào cũng ngọt.
“Em sinh ra ở Phiêng Khoài”, giọng Thanh trầm hẳn xuống. Bố mẹ em từ dưới xuôi lên Phiêng Khoài dạy học. Dù gắn bó với cộng đồng người Thái, người Mông, người Xinh Mun ở nơi đây nhưng từ lúc sinh ra, lớn lên đi học rồi đi dạy, làm Phó Hiệu trưởng một trường PTTH ở huyện Mường La, quãng thời gian gắn bó với dân bản của em không nhiều lắm.
Cho đến một ngày, khoảng chừng 6-7 năm về trước khi em quay về bản vào đúng mùa mận chín. Nhìn cảnh thương lái vào tận vườn ép giá bà con, họ trải bạt ở dưới gốc rồi rung cây cho quả nào rơi xuống thì lấy, quá xót xa. Một kg chỉ có giá 500 đồng. Loại nào đẹp lắm cũng chỉ 1-2 nghìn đồng. Nước mắt em cứ trào ra.
Chả lẽ bà con dân bản mình cứ mãi theo cái vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào thương lái thế này hay sao? Chả lẽ cứ trồng mận bị ép thì chặt trồng cà phê, đến khi cà phê bị ép lại chặt đi trồng cây khác? Phải làm điều gì đó cho quả mận Phiêng Khoài mới được.
Suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, cuối cùng cô giáo sinh năm 1986 quyết định thành lập Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu, lấy hình ảnh khăn Piêu áo Cóm của đồng bào Thái làm hình ảnh khởi nghiệp. Mục tiêu lớn nhất là nâng cao giá trị của quả mận Phiêng Khoài.
Từ một cô giáo vốn quen với phấn bảng, Bùi Phương Thanh mày mò học kiến thức nông nghiệp, tìm hiểu về hoạt động của hợp tác xã, vận động bà con dân bản thay đổi quy trình sản xuất, tìm kiếm thị trường… Mất một vài năm mới tìm được lối đi.
“Em gái Piêu” xác định: Bằng mọi giá phải biến quả mận Phiêng Khoài trở nên ngon nhất, chinh phục tệp khách hàng khó tính nhất và hướng tới thị trường xuất khẩu. Việc đầu tiên là phải kể được một câu chuyện về mận của Phiêng Khoài.
Vận động được 9 thành viên, chủ yếu là người thân trong gia đình, Bùi Phương Thanh bắt đầu hành trình kể chuyện. Xây dựng mã số vùng trồng, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, gắn mã QR code cho từng sản phẩm và quan trọng nhất là xây dựng niềm tin đối với khách hàng. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu dần trở nên quen thuộc với dòng mận cao cấp, đặc biệt là thương hiệu mận Ruby, nữ hoàng trong vương quốc mận hậu.
Năm 2021, khi tỉnh Sơn La có dự án hợp tác nâng cao giá trị nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng đối với dòng sản phẩm trái cây, Bùi Phương Thanh và nhóm cộng sự của mình đã xây dựng thành công mô hình mận ở Phiêng Khoài luôn bán với giá đắt nhất thị trường. Đó là những quả mận được chăm chút từ quy trình sản xuất làm sao có thể đạt trọng lượng từ 14 – 16 quả/kg thay vì 60 – 70 quả/kg đang phổ biến. Những quả mận có vỏ phấn dày hơn, trắng hơn nhưng khi dùng tay xoa đều lớp phấn bên ngoài thì màu đỏ bên trong dần hiện ra không khác gì màu của một viên Ruby đắt giá.
Nó không khác gì sản phẩm hoa quả nhập khẩu đắt đỏ mà người Việt vẫn thường chấp nhận trả nhiều tiền để ăn. Mỗi một quả mận Ruby khi đến tay khách hàng đều có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mã vùng trồng, quy trình sản xuất và một câu chuyện kèm theo.
Bùi Phương Thanh đưa tôi xem hộp sản phẩm cao cấp nhất của hợp tác xã, thường bán với giá 250 nghìn đồng/kg, trên vỏ hộp chính là câu chuyện mà Thanh và Noọng Piêu muốn kể.
Đại ý thế này: Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu với tên gọi có nghĩa là “Em gái Piêu” đã trồng mận Ruby trên những dãy núi đá vôi và áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, thu hái. Mận Ruby được chăm sóc với tình yêu thương và sự tận tụy từ người nông dân, họ không chỉ chăm sóc cây trồng mà còn đảm bảo từng trái mận được thu hoạch vào thời điểm hoàn hảo nhất.
Điều này giúp quả mận giữ được vị ngọt tự nhiên, hương thơm đặc trưng cùng với màu sắc đỏ rực và phấn trắng dày đặc, tạo nên sự quyến rũ đặc biệt không thể nhầm lẫn. Mỗi quả mận không chỉ đơn giản là một loại trái cây, mà còn chứa đựng cả tâm huyết và câu chuyện về sự đam mê của những người làm nên sản phẩm tuyệt vời này.
Bùi Phương Thanh nói, mọi sự mới chỉ khởi đầu, cho dù “Em gái Piêu” là người đầu tiên đưa mận hậu Phiêng Khoài lên máy bay của Vietnam Airlines vào những bữa ăn, lần đầu tiên tổ chức ngày hội bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, lần đầu tiên đưa mận Ruby đạt chuẩn OCOP 4 sao, lần đầu tiên xuất khẩu…
Một khát vọng lớn hơn, không gian rộng mở hơn đang hừng hực cháy trong thân hình bé nhỏ của Cô gái Phiêng Khoài.
Sau EU sẽ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
Trở lại với kỳ tích Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu là đơn vị đầu tiên đưa 10 tấn mận Phiêng Khoài vào thị trường EU, Bùi Phương Thanh chia sẻ, đó chính là mục tiêu lớn nhất của mình. Giá trị quả mận Phiêng Khoài phải chinh phục được những thị trường khó tính nhất và sau đó sẽ quay trở lại chinh phục người Việt. Và cũng chỉ con đường đó mới có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng người trồng mận hậu ở Sơn La.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Sơn La hiện có xấp xỉ 12.500 ha diện tích trồng mận, sản lượng hằng năm vào khoảng trên 81.000 tấn, tập trung chủ yếu ở Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, thành phố Sơn La, Mai Sơn…
“Em gái Piêu” luôn nghĩ, nếu không tìm cách mở rộng thị trường, không tìm tòi giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm thì quả mận Sơn La cũng chỉ giúp được số ít người giàu có, còn lại hàng vạn người nông dân gắn bó với thứ quả này cứ mãi mông lung, không thể nào bền vững được.
“Nếu ích kỷ, em chỉ làm mỗi mận Ruby Phiêng Khoài, nhưng không, giá trị quả mận Sơn La phải là của nhiều cộng đồng đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La”, Thanh đã nói như vậy trước Hội đồng chấm điểm sản phẩm OCOP 4 sao do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành công chủ trì.
Sau thị trường EU, tham vọng tới đây của Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Những mẫu sản phẩm “Em gái Piêu” gửi sang bên đó đều đã nhận lại phản hồi hết sức tích cực. Một câu chuyện mới về vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn thị trường đang được Bùi Phương Thanh và cộng sự của mình viết tiếp.
Năm 2021, Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu đã xây dựng thành công mã số vùng trồng trên diện tích 30,5ha, diện tích liên kết 150ha, trong đó 12ha đang dịch chuyển sang hướng hữu cơ. Vùng mận hậu Phiêng Khoài cũng đã được tỉnh Sơn La quy hoạch thành vùng sản xuất mận Ruby công nghệ cao đầu tiên của tỉnh.
Mỗi ngày, người trồng mận từ Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn và nhiều địa phương khác đều đến Phiêng Khoài học hỏi về quy trình sản xuất, về kỹ năng bán hàng online, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Bùi Phương Thanh chia sẻ hết. Tâm huyết và tận tụy.
Mong muốn của cô gái nhỏ nhắn là vùng nguyên liệu của mận Ruby Sơn La phải được mở rộng. Quy trình sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật trồng mận rải vụ, giải pháp kỹ thuật làm mận Ruby của Phiêng Khoài cũng là của Mộc Châu, Mai Sơn và nhiều vùng mận hậu khác.
“Khi bà con mình đồng lòng sẽ đồng nhiều thứ khác”, Thanh nói. Khi mã số vùng trồng đầu tiên của Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu xuất hiện trên hệ thống, gần như mỗi ngày “Em gái Piêu” đều nhận được điện thoại của đối tác. Câu chuyện của mận Sơn La bây giờ không phải là diện tích, sản lượng hay quy trình sản xuất bởi tất cả những thứ ấy bà con đã làm rất tốt. Nếu không có mã số vùng trồng, nghĩa là câu chuyện xuất khẩu chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Cả chuyện công nghệ sau thu hoạch cũng vậy. Thị trường mênh mông thật đấy nhưng chả nhẽ cứ đi máy bay mãi được hay sao? Chi phí cao nhưng số lượng chỉ được ít lắm. Nên mới rồi Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu đã thử nghiệm thành công công nghệ bảo quản sau thu hoạch bằng công lạnh. Mận sau khi thu hoạch chính vụ có thể bảo quản thêm nhiều tháng trời vẫn giòn, vẫn ngọt, giữ nguyên chất lượng.
Đó sẽ là một câu chuyện hết sức tuyệt vời cả cho xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Một giấc mơ lớn khác của “Em gái Piêu” là mận Ruby Sơn La có thể xuất khẩu quanh năm, người Việt Nam mình có thể ăn những trái mận hậu Sơn La ngon nhất, cũng quanh năm.
Móng, Điện và chuyện quả mận của cộng đồng
Đôi vợ chồng Vì Thị Móng (32 tuổi) và Vì Văn Điện (34 tuổi) là những người Xinh Mun ở bản Huổi Xai của xã Phiêng Khoài. Thời điểm Bùi Phương Thanh thành lập Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu vợ chồng Móng – Điện cùng 2 con nhỏ vẫn còn ở chung với bố mẹ và trong nhà không có bất cứ thứ gì có thể gọi là tài sản. Cơm chưa đủ no đã đành, quần áo cho con cái cũng không có. Giống như tập quán của bao người Xinh Mun khác trong bản, cuộc sống vợ chồng họ “không thích sản xuất”, chỉ thích đi làm thuê hoặc lên rừng hái măng, bắt chuột.
Nghe “em gái Piêu” nói về dự án hợp tác xã, nói về mong muốn nâng cao giá trị quả mận Phiêng Khoài, cả Móng và Điện đều lắc đầu nghi ngại. Rằng, lâu nay mận của chúng tao có bao giờ bán được bằng giá của mận người Kinh chúng mày? Giờ mày bảo tao cắt tỉa cành để có quả mận to hơn, chỉnh tán để quả mận đẹp hơn chắc là định lừa tao đấy phải không?
Vậy mà bây giờ vợ chồng Móng và Điện đã có nhà cửa khang trang, sắm sửa được tivi, xe máy, con cái được học hành, lại còn mua được cả đất trồng thêm mận. Thỉnh thoảng hai vợ chồng còn lên Facebook, Tiktok làm clip quảng bá mận hậu Phiêng Khoài, “lai chim” (livestream) bán hàng nhoay nhoáy.
Thanh cười. Đầu tiên em và công sự phải dựng nhà mời cả gia đình vào ở, cấp xe máy cho vợ chồng đi lại, làm ngày nào trả công ngày đó, lại còn đưa con cái đến trường. Dần dần mới thuyết phục được hai vợ chồng tham gia hợp tác xã. Một thời gian sau thấy Điện xin phép về bản rủ rê thêm mấy thanh niên đến xin tham gia liên kết với hợp tác xã cùng nhau mở rộng diện tích trồng mận.
Thậm chí bà con còn góp sức cùng hợp tác làm đường. Ngày trước, đường vào Hang Mon, Huổi Xai lởm chởm đá tai mèo, đi lại chủ yếu bằng ngựa. Kể từ khi hợp tác xã hoạt động, các thành viên cùng bà con góp tiền, hiến đất, đổ 4 km đường bê tông vào đến tận vườn.
Làm nông nghiệp, nhất là liên kết với bà con cứ phải tai nghe, mắt thấy, có kinh tế và sòng phẳng mới được anh ạ. “Em gái Piêu” đúc rút. Xa hơn nữa, Thanh chia sẻ, cô mong muốn giá trị lớn nhất quả mận mang lại chính là sức khỏe, cuộc sống của đồng bào. Hang Mon, Huổi Xai hay nhiều bản làng trên vùng cao biên giới Phiêng Khoài đa phần vẫn là những phận người lầm lụi.
Chỉ mấy năm trước thôi, thời cây ngô còn phủ khắp núi đồi vùng cao, Thanh chứng kiến có gia đình trong bản, hai vợ chồng nhà nọ vốn sống bằng nghề phun thuốc diệt cỏ thuê, đẻ ra 12 đứa con thì 10 đứa dị tật bẩm sinh. Những nỗi đau quá lớn khiến “Em gái Piêu” suy ngẫm, phát triển bền vững chính là bảo vệ sức khỏe bà con mình.
Đó cũng chính là giá trị lớn nhất Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu đeo đuổi. Và có lẽ cũng vì giá trị đó mà Thanh đang vận động bà con chuyển dần diện tích mận sang phương pháp hữu cơ, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, sử dụng phân bón, thuốc BVTV sinh học…
Giữ cho bà con cũng là giữ cho mình, cho khách hàng của mình. Triết lý của cô là vậy. Dù làm trời làm bể, dù có nói hay đến mấy đi nữa cũng không bằng chứng minh ở vùng nguyên liệu, ở chính khu vườn của mình. Cây khỏe, trái ngon chim chóc sẽ đến. Hệ sinh thái có bao giờ biết nói dối đâu anh. Và em tin khách hàng sẵn sàng trả cho bà con nhiều tiền từ những giá trị như thế.
Chia tay Noọng Piêu – Em gái Phiêng Khoài, tôi cứ suy nghĩ mãi mấy lời Thanh tâm sự: Thay đổi tư duy là thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời, anh ạ. Người Phiêng Khoài hôm nay đã rất khác với hôm qua. Thương lái vào đây hôm nay nếu không tử tế, không chia sẻ, chắc chắn sẽ ra về với nỗi ê chề. Mận vào chính vụ, thương lái kéo nhau đến đàng hoàng thì mua bán, còn bắt tay nhau ép giá như ngày trước, bà con sẵn sàng bỏ dở buổi hái đi về. Mua bán cũng thế mà sản xuất cũng thế. Tất cả đều theo đúng quy trình, cùng nhau học hỏi, cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi.
Nói Phiêng Khoài hôm nay, giá trị lớn nhất chính là giá trị cộng đồng là vì lẽ ấy.