Thung lũng cam ‘nói không’ với hóa chất

Nằm ở sườn đông của dãy Trường Sơn, huyện Kbang có hơn 110ha cam, quýt, chất lượng được đánh giá ngon nhất tỉnh.

Vườn cam 400 cây của hộ gia đình anh Nguyễn Duy Chuyển ở làng Hà Nừng (xã Sơn Lang) 'nói không' với hóa chất. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn cam 400 cây của hộ gia đình anh Nguyễn Duy Chuyển ở làng Hà Nừng (xã Sơn Lang) “nói không” với hóa chất. Ảnh: Đăng Lâm.

Huyện Kbang (Gia Lai) có diện tích cam, quýt trên 110ha, trong đó riêng xã Sơn Lang có 59ha. Sau nhiều năm bén duyên vùng đất mới, cây có múi đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Nguyễn Duy Chuyển ở làng Hà Nừng (xã Sơn Lang) trước đây trồng cà phê, chuyên sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Sau nhiều năm khai thác, cây cà phê già cỗi, năng suất giảm, thu nhập không đáng kể. Năm 2016, gia đình anh chuyển sang trồng cam Vinh và quýt đường theo hướng VietGAP, gần như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ tự làm. Cuối năm 2023, vườn cam Vinh 400 cây và 50 cây quýt đường cho thu hoạch 13,5 tấn quả bán trong dịp Tết.

Anh Chuyển cho biết, chuyển hướng từ cà phê sang trồng cây ăn quả, ngay từ đầu, gia đình đã sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc vườn cây. Hàng năm, sau khi thu quả vào dịp cuối năm thì ngay từ đầu năm sau, gia đình chỉ sử dụng 20% phân hóa học bón cho vườn cây. Sau dịp thu quả vào cuối năm, cây có phần xuống sức, do đó phải bón một lượng nhỏ phân bón hóa học để dưỡng cây. 80% lượng phân còn lại là sử dụng phân bón hữu cơ, chia ra làm nhiều đợt bón trong năm.

Anh Chuyển bên vườn cam sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Chuyển bên vườn cam sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Chuyển, xét về kinh tế, sử dụng phân bón hữu cơ chi phí thấp hơn rất nhiều so với dùng phân hóa học do phân hữu cơ gia đình tự làm được, trong khi phân hóa học phải mua với giá rất cao. Còn về hiệu quả thì sử dụng phân bón hữu cơ vườn cây có sức bền cao, ít bị rụng quả, cây cũng ít bị sâu bệnh. Đặc biệt khi sử dụng phân bón hữu cơ bón cho vườn cây, cuối năm cây cho sản phẩm sạch, quả cam to và mọng, thơm ngon tự nhiên.

Niềm vui của gia đình anh Chuyển là năm 2021, vườn cam của gia đình chính thức được công nhận VietGAP, từ đây được nhiều người biết đến hơn. Cứ mỗi dịp gần Tết, khách hàng khắp nơi gọi điện, thậm chí đến tận vườn để đặt hàng, có người còn đặt cọc trước một số tiền cho… chắc ăn.

Cũng ở xã Sơn Lang, gia đình ông Trần Thanh Mai (thôn Thống Nhất) trồng 200 cây cam Cara ruột đỏ và 50 cây cam sành, canh tác theo hướng hữu cơ.

“Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch nên vườn cam phát triển khá tốt, quả sai, thơm, ngọt tự nhiên. Vụ cam năm 2023, gia đình thu về gần 300 triệu đồng từ tiền bán cam”, ông Mai phấn khởi.

Ông Mai trồng hơn 200 cây cam thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Mai trồng hơn 200 cây cam thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Mai cho biết, cam Cara khi chín có ruột đỏ, vỏ màu vàng tươi, bóng láng rất đẹp và độ dày trung bình, rất dễ bóc. Bên trong ruột là những tép có màu đỏ óng ánh, vị ngọt thanh và đặc biệt là không hạt. Trọng lượng bình quân 300gram/quả, có quả đạt 1kg.

Ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của huyện khoảng 1.200ha với các loại cây như cam, quýt, ổi, dứa… Ngoài ra, huyện Kbang còn phát triển cây mắc ca với 2.800ha.

“Những năm gần đây, bên cạnh cây trồng chủ lực và truyền thống là cây mía thì cây ăn quả, đặc biệt là cam, quýt đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Riêng ở xã Sơn Lang hầu hết nhà vườn trồng cam, quýt đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc vườn cây như tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ thay vì bón phân hóa học. Những vườn cây này đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Tình cho biết.

Cũng theo ông Tình, cây cam đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam cũng tốt hơn nhờ canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Tết năm vừa rồi, hàng chục hộ nông dân ở xã Sơn Lang thu về hàng trăm triệu đồng từ tiền bán cam. Người tiêu dùng trong tỉnh, thậm chí ở một số tỉnh lân cận đã biết đến quả cam của huyện Kbang nhờ độ thơm ngon, đặc biệt quả cam đảm bảo sạch nhờ sử dụng phân bón hữu cơ. “Đây là động lực để người trồng cam ở Kbang nỗ lực nhiều hơn nữa trên hành trình nâng cao chất lượng nông sản, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng”, ông Tình chia sẻ.

Cam đang khẳng định được vị thế và trở thành cây trồng chủ lực của huyện Kbang. Ảnh: Đăng Lâm.

Cam đang khẳng định được vị thế và trở thành cây trồng chủ lực của huyện Kbang. Ảnh: Đăng Lâm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, ông Lê Thanh Sơn cho biết, quyết tâm của huyện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là hướng đến một nền nông nghiệp sạch. Đặc biệt đối với những vườn cây ăn quả, địa phương luôn khuyến cáo bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đồng thời tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học. Chủ trương của huyện là thời gian tới tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích các loại cây kém hiệu quả, tăng diện tích các loại cây có khả năng thích ứng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện…

“Hiện quả cam của Kbang đã được người tiêu dùng biết đến là sản phẩm sạch, chất lượng thơm ngon. Do đó, cam Kbang đã tiêu thụ ở nhiều tỉnh lân cận, thậm chí đến tận TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương…”, ông Sơn cho biết.

Trần Đăng Lâm

** Nguồn : nongnghiep.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận