Một mô hình vườn rừng sinh thái xuất phát từ cái tâm người làm thuốc

Đến thăm Vườn sinh thái Thiên Lương ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên, thích thú và thán phục. Bởi trên một diện tích khoảng 5 ha, hàng trăm loại dược liệu, rau, hoa, nông sản đua nhau khoe sắc, với sự đa dạng, phong phú đến thú vị. Ví dụ cây củ mài mọc bên cạnh những luống rau ngót xanh non, hàng rong giềng giống cổ bao quanh bờ rào, che nắng cho những luống củ từ đang mùa vươn mầm mạnh mẽ. Hàng rào sinh học bồ kết thì ken chặt, tán lá đung đưa, gai nhọn chi chít, những quả xanh đã treo lúc lỉu chạy ngoằn ngoèo ôm lấy những luống khoai, luống sắn… Vườn ngô nếp trên đỉnh đồi, lan dần xuống dưới là khoai lang, khoai tây, khoai mỡ… Cứ mỗi loài một bậc theo các bờ đồng mức đã được phân chia, để cấp và giữ nước cho nhau, để chia nhau dinh dưỡng tự nhiên một cách công bằng nhất. Dọc theo các luống rau là các bép tưới tự động, lấy nước từ khu vực bể chứa nước, ao cá mà nước nguồn được dẫn thẳng từ đỉnh núi Ba Vì, tận con suối nguồn cao nhất. Khi tôi hỏi : sao phải cầu kỳ vậy, dẫn nước xa vậy cho tốn kém ? Chị Đinh Thị Song Nga – chủ vườn cười, tỏ ra rất thấu hiểu cho sự lo lắng của tôi về chi phí đầu tư vườn rừng : Với cái vườn sinh thái này, em đánh giá điều quan trọng nhất là đất, nước và cách thức mình thiết kế để tận dụng thế mạnh của từng loài, từng giống cây. Chính vì thế, em không khoan giếng tại chỗ như nhiều nhà vườn khác. Em dẫn nước từ nguồn về. Nước từ nguồn nhiều khoáng chất lắm, lại có hàng triệu tỷ vi sinh vật bản địa. Cái này còn quí hơn bất cứ loại phân bón vi sinh nào trên đời ! vì thế, em không tiếc khi đầu tư vào hệ thống dẫn nước. Hệ thống này có 2 khu chứa, là bể xây và ao. Em điều tiết lượng nước dẫn về thông qua hai hạng mục trung gian này. Hơn nữa, đây còn là nơi em thả bèo tấm, bèo hoa dâu, và nuôi cá nước ngọt…Các đường đồng mức mà em tạo ra từ đỉnh đồi xuống đến chân kia là cũng căn cứ theo đặc điểm sinh trưởng và nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây đấy chứ…

Ô, hóa ra là vậy !

…..Vườn Thiên Lương ra đời như một hệ quả tất yếu của cái tâm người thày thuốc. Vốn là một người dược học về nghề thuốc Nam, chị Đinh Thị Song Nga đã đau đáu từ lâu về việc làm sao để giảm bớt tình trạng người dân Việt, nhất là người nghèo phải chịu cảnh bệnh tật dù “ sống trên đống thuốc “, chính là vốn cây dược liệu, cây thực phẩm mà bao đời nay cha ông ta đã sự tầm, thuần hoá, và biến vườn nhà thành vườn thuốc Nam, biến món ăn hàng ngày thành “ bài thuốc” vừa lành vừa rẻ…Chính vì thế, cơ sở Đông Y Thiên lương  được sáng lập bởi lương y Đinh Thị Song Nga ra đời, chị đồng thời còn là Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long – đơn vị chuyên bào chế, sản xuất đông nam dược tại tỉnh Hà Nam. Với tâm thế của một người thầy thuốc muốn mang sản phẩm đông dược có chất lượng tốt đến với người sử dụng, chăm lo sức khỏe người tiêu dùng, Đông Y Thiên Lương luôn đặt mình vào góc nhìn của người tiêu dùng, từ đó luôn luôn đặt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Cũng ít người biết rằng, chính vị nữ giám đốc này đã ngày đêm đau đáu với tình trạng trẻ em vùng núi vùng lũ phải đu dây, lội suối để đến trường, nên đã phát minh ra chiếc cặp phao nổi tiếng, vừa tiện dụng, vừa rẻ tiền nhưng vô cùng hữu ích, giúp bảo vệ sinh mạng hàng vạn học sinh miền núi, miền lũ , miền đồng bằng lụt lội. Chị đã tặng toàn bộ bản quyền sáng chế này cho Bộ Giáo dục để cứu giúp học sinh…..

Nhưng, cái tâm đau đáu của người thầy thuốc vẫn chưa nguôi ngoai. Trong quá trình làm thuốc, chị nhận ra rằng phần lớn nguyên nhân ốm đau bệnh tật của người bệnh là do quá trình ăn uống sai khoa học, do nguồn thực phẩm đầu vào chất lượng quá kém, thậm chí độc hại, dùng thực phẩm “ rỗng “ trong thời gian dài…

Vì thế, dù người bệnh có được cắt thuốc hay được điều trị dài ngày trong các bệnh viên tây y nổi tiếng, thì bệnh vẫn còn, thậm chí có những bệnh nan y , tán gia bại sản vẫn không chữa được… Chính từ những nỗi niềm đau đaú đó, Vườn Thiên Lương Sinh thái tuần hoàn khép kín đã ra đời ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội….

Nghe kể về hành trình một mình “ thân gái dặm trường” lên đồi tìm đất, rồi lại một mình gây dựng, san núi bạt đồi của Song Nga, tôi vô cùng khâm phục. Nhưng em một hai từ chối, ko nhận bất cứ “ thán từ “ nào mà tôi trao tặng ! Em nói : không có gì đâu chị ơi, việc vất vả em quen rồi mà, nhiều người còn vất vả , dũng cảm hơn em…mí lị em còn được sự hỗ trợ, động viên của các cháu, các con em được cái ngoan và chịu đi theo con đường gian nan của mẹ…

Vườn Thiên Y đang mỗi ngày một hoàn thiện với tâm nguyện tạo ra những sản phẩm sinh thái vườn rừng sạch, lành, giàu dưỡng chất và cả linh khí đất trời núi Tản Non Đoài xứ Ba vì để đem đến cho người tiêu dùng một mâm cơm ý nghĩa, một sản vật quí báu làm ra từ cái tâm người trồng trọt như miến gấc, miến chùm ngây, hoa cúc chi làm trà…và rau, quả đủ loại…

Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, Đông Y Thiên Lương đã bắt đầu triển khai dự án vườn rừng, kết hợp với du lịch học tập dành cho các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn cải tạo đất trồng, tăng năng suất sản lượng cây thuốc đông dược cũng như rau màu hữu cơ và hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Mỗi lần đón các đoàn tham quan và chia sẻ kinh nghiệm, Song Nga lại thêm phấn chấn vì học hỏi được thêm bao điều mới mẻ, sâu sắc , thêm tự tin vì khẳng định được lối đi đúng, với bao sự sáng tạo, đổi mới từ kiến thức nền tảng của cha ông. Hiện nay vườn Thiên Lương đã hoàn tất quá trình đánh giá bởi bên thứ 3 và đang chuẩn bị đón chứng nhận hữu cơ EU và USDA…

 

Nguyễn Thị Thu Liên

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận