Câu chuyện truyền cảm hứng: “Dâu tây Xuân Quế thay đổi cơ cấu cây trồng thúc đẩy phong trào sản xuất dâu tây tại Tây Bắc, Việt Nam”

Sự hình thành HTX dâu tây Xuân Quế

          Ở tỉnh Sơn La thuộc vùng Tây Bắc, cách xa Hà Nội gần 300 km, với địa bàn đất nương, đất đồi và đa dạng thành phần dân tộc như dân tộc Thái, H’Mông… Truyền thống của người dân nơi đây là trồng cây lúa nương, cây sắn, cây ngô và cây mía. Hiệu quả sản xuất rất thấp nên đời sống của người dân chật vật. Với tuổi trẻ, Ông Nguyễn Văn Nam trăn trở: Sao bà con lại cứ mãi chấp nhận chung thân với các cây trồng truyền thống, làm mãi mà không có của ăn, của để? Ông tự đặt ra câu hỏi: Cây gì mang lại thu nhập cho người dân ở đây mà lại đáp ứng được nhu cầu của người dân ở các độ thị lớn? Trăn trở tìm kế sinh nhai cho mình, cho người dân xung quanh mình. Ông Nam đã bàn bạc cùng với vợ và vận động một số anh em trong xã hình thành nên mô hình hợp tác xã (HTX) và lấy cây dâu tây mềm mại thay thế các cây truyền thống như cây ngô, cây sắn và cùng tập trung cho một số cây ăn quả đang có thế mạnh trong vùng như xoài, nhãn, bơ và Na.

Chính vì vậy, HTX dâu tây Xuân Quế được hình thành từ ngày 25/07/2017 với số lượng 11 thành viên. HTX xác định trồng các sản phẩm như dâu tây và cây ăn quả xoài, nhãn, bơ, na…và từng bước trồng thêm một số loại rau nếu thị trường có nhu cầu cao như dưa chuột. Giai đoạn đầu, HTX trồng dâu, đây là 1 trong số đơn vị đầu tiên sản xuất dâu trên địa bàn huyện Mai Sơn. Hiện nay, HTX đã mở rộng và bà con trong vùng cũng tập trung trồng cây dâu tây do hai năm qua thấy cây dâu mang lại giá trị cao. Vì vậy, năm 2022, huyện Mai Sơn ước sơ bộ diện tích dâu tây đạt khoảng 300 – 400 ha. Cây dâu tay đã thay thế cho diện tích cây ngô, cây sắn, cây mía … tạo thành vùng sản xuất tập trung. HTX dự định, ngoài tiêu thụ sản phẩm dâu tây tươi được đưa về Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, sản phẩm còn được đưa vào thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời những sản phẩm quả nhỏ sẽ được tiêu thụ dưới dạng dâu đông lạnh phục vụ các cơ sở chế biến.

Thất bại song không lùi bước mà phát huy tiềm năng, thế mạnh của HTX

Khi mới hình thành, nhằm gia tăng khả năng cung ứng của HTX, HTX không chỉ tập trung sản xuất trên địa bàn xã Cò Nòi, Ban quản lý HTX còn tính đến phương án liên kết sản xuất trên địa bàn của xã khác trong huyện như xã Chiềng Lương. Đây là một trong những địa bàn có thể sản xuất rau, quả rất tốt. Tuy nhiên trong quá trình liên kết, việc tuân thủ của các hộ không nghiêm túc nên đã dẫn đến việc HTX không thể thu mua các sản phẩm như mong đợi. Hộ sản xuất bán cho người thu mua khác để lấy chênh lệch so với mức đã đàm phán. Thất bại là vậy, song Ban quản lý HTX đã không chùn bước, thực hiện mở rộng hợp tác với đơn vị và một số hộ khác có cam kết cung ứng sản phẩm cho HTX. Sau 5 năm phát triển, chỉ riêng với cây dâu tây, HTX đã đạt được kết quả sản xuất rất đáng ngưỡng mộ. Ở đây có dẫn ra thông tin về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận qua từng năm để thấy được kết quả của một tập thể quyết tâm cũng như hướng đi đúng.

 

Thông tin về kết quả sản xuất dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế

 

Đạt được kết quả trên là do HTX luôn luôn có sự trao đổi, học hỏi và tìm hiểu nhu cầu thị trường. HTX đã nắm bắt được thị trường không chỉ cần các sản phẩm nông sản tươi như dâu tây, xoài, na Thái, na mãng cầu mà còn có cả các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu chế biến như dâu tây đông lạnh phục vụ cho chế biến các loại sữa hương dâu. Chính vì vậy HTX đã mạnh dạn đầu tư kho lạnh để lưu giữ các sản phẩm dâu tây đông lạnh khi có sản lượng lớn và chịu ảnh hưởng của của đại dịch Covid-19.

Sản phẩm dâu tây của các hộ sau thu hoạch, sản phẩm quả to, đạt tiêu chuẩn sẽ được đóng gói dưới dạng sản phẩm tươi đưa về tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và một số tỉnh phía Bắc. Các sản phẩm quả loại hai cũng như quả nứt, vẹo thì sẽ được đưa vào đóng đông lạnh ngay tại vùng sản xuất. Tại các thị trường lớn như thị trường Hà Nội, HTX đã liên kết với các cửa hàng để bán dâu tây. Tại các cửa hàng này HTX kết hợp với chủ cửa hàng để tổ chức truyền thông mạnh mẽ ngay từ năm đầu nên đã thu hút lượng người mua rất lớn. Đồng thời, qua cách làm của HTX đã thu hút được một số “vệ tinh bán hàng online” cùng chung tay tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm dâu tây tới tay người tiêu dùng cuối cùng được thực hiện trong thời gian ngắn nhất giúp giữ được sản phẩm tươi, chất lượng. Ban đầu, tại thị trường Hà Nội một người có ý định kinh doanh dâu tây nhưng còn e ngại thì HTX luôn luôn động viên và khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng họ. Chính vì vậy với những thành viên ban đầu chỉ có thể bán được 3kg dâu/ngày dưới dạng online nhưng HTX đã động viên và đã xây dựng được bốn điểm bán dâu tây dưới dạng bán buôn mang lại hiệu quả rất lớn.

HTX đã nhìn ra khoảng cách giữa Tây Bắc và Hà Nội, xác định Hà Nội là thị trường lớn có tiềm năng với nhiều mặt hàng nông sản khác nhau. Vì vậy, HTX đã ký liên kết với một đơn vị đó là một Công ty đứng lên làm đầu mối dưới địa bàn Hà Nội và giữa hai bên cam kết tiêu thụ các sản phẩm do HTX làm ra. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là dâu tây, HTX đã lựa chọn trồng giống cà chua truyền thống và giống dưa nếp lai vào vụ đông. Hai mặt hàng này được người tiêu dùng Hà Nội đón nhận tốt.

Chú trọng chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt giúp sản phẩm đứng vững ở thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội…và khắp các tỉnh khác trong cả nước. Cam kết chất lượng và phân loại sản phẩm: Thu hoạch và phân loại sản phẩm tại từng trang trại của nông hộ (mỗi trang trại có 1 nhà để sơ chế đóng gói sản phẩm), mã số sản phẩm theo quy định của HTX đối với hộ trong HTX (quy định từ 1 – 15). Kích cỡ báo gói sản phẩm theo 2 loại: 16 kg/thùng sản phẩm (quả dâu kích thước lớn) và 20kg/thùng (kích thước quả nhỏ). Từng hộ trong HTX tự chịu trách nhiệm về chất lượng quả dâu tây xuất đi trên thị trường.

Tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết với các hộ nông dân để có nguồn dâu tây ổn định và liên kết với các đơn vị tiêu thụ trong nước (là các cửa hàng nông sản an toàn, các siêu thị và các nhóm hộ gia đình) và các doanh nghiệp phục vụ việc sản xuất sữa dâu tây…nhằm ổn định đầu ra.

Tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tây phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và những năm tới khi mọi điều kiện đã ổn định.

Các hộ quyết tâm không chỉ bán hàng dưới hình thức bán hàng trực tiếp mà bán hàng thông qua trang TMĐT cũng được phát triển. TMĐT là một kênh giúp cho nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh thành phố khác trong cả nước biết đến, đã mở rộng được đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Với cách làm có sự liên kết chặt chẽ với bộ phận logistics nên sản phẩm đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tươi và rất đảm bảo về chất lượng.

Sáng kiến trong liên kết tiêu thụ

Liên kết với các hộ nông dân sản xuất dâu ở Mộc Châu với diện tích 30 ha và cách thức tổ chức thu gom vận chuyển như sau:

+ Sản phẩm dâu tây ở Mai Sơn thu hoạch vào buổi sáng, đóng hộp, sau đó xếp lên xe bắt đầu xuất phát từ Mai Sơn vào 10h sáng. Đến Mộc Châu khoảng 12h trưa, khi đó bổ sung thêm lượng dâu lên ô tô vì khoảng cách từ Mai Sơn tới Mộc Châu là 2 giờ. Thời gian vận chuyển là thời gian các trang trại tại Mộc Châu thu hoạch được lượng sản phẩm đáng kể. Nhờ đó mà khối lượng vận chuyển trên mỗi chuyến xe luôn đảm bảo giá thành vận chuyển ở mức hiệu quả tối đa đồng thời dâu thu hoạch xong được xếp đi ngay nên ổn định về chất lượng sản phẩm.

+ Chuyến xe thứ 2 trong ngày được tổ chức xuất phát từ Mai Sơn đi lúc 5h chiều, lượng dâu được thu hoạch từ 10h sáng đến 5h chiều sẽ được đưa lên xe. Phần lớn lượng dâu ở Mai Sơn được xếp lên vào thời điểm này. Khi về đến Mộc Châu sẽ bổ sung nếu còn có lượng dâu đã thu hoạch thêm được. Lượng dâu này sẽ về đến thị trường Hà Nội vào sáng sớm ngày hôm sau. Toàn bộ sản phẩm này được đưa đến các cửa hàng, các điểm bán sớm nhất. Do đó, chất lượng dâu luôn đảm bảo độ tươi.

+ Kết nối tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài. Các sản phẩm được xếp lên xe từ 10 giờ tối và có mặt tại sân bay Nội Bài vào 5 giờ sáng ngày hôm sau và sau đó 8 giờ sáng sản phẩm đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, đây là một sáng kiến trong việc tổ chức thu gom, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả của việc vận chuyển cũng như đầu mối tại các thị trường lớn, tìm kiếm thị trường giúp tiết kiệm tài nguyên trong đầu tư tiêu thụ.

 

Có một điểm mà cũng được cho là sáng kiến: Do đặc thù của dâu tây giảm nhanh về chất lượng trong quá trình lưu thông nên HTX đã liên kết với một cửa hàng để thu gom toàn bộ sản phẩm dâu tây sau một ngày nếu có ảnh hưởng chất lượng sẽ được đưa vào để bảo quản đông lạnh tại Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Về công tác giám sát chất lượng

+ Giám sát nội bộ của HTX: Tất cả các khâu sản xuất đều được bộ phận đảm bảo chất lượng giám sát các hộ làm theo đúng quy trình của HTX tránh gây sai sót ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Định kỳ 15 ngày HTX cử một tổ công tác đến vườn tại từng hộ để hướng dẫn thực hành sản xuất, giám sát việc tuân thủ quy trình.

+ Giám sát của các cơ quan chức năng: Hàng năm, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và huyện có kiểm tra cơ sở sản xuất và lấy mẫu kiểm định vào thời điểm đầu vụ và giữa vụ thu hoạch quả dâu. Song kết quả chất lượng sản phẩm luôn được đánh giá rất tốt.

Các khía cạnh thành công và bài học từ câu chuyện

Các khía cạnh thành công chính:

– HTX luôn đổi mới ở khía cạnh tìm kiếm các cây trồng mới có nhu cầu trên thị trường.

– Dám nghĩ dám làm và quyết tâm học tập các tiến bộ kỹ thuật mới.

– Để thành công được phải có sự liên kết không chỉ giữa các nhà nông với nhau mà còn các nhà đầu tư, các thành viên là người sản xuất cũng như các doanh nghiệp là nơi tiêu thụ.

– Trong tổ chức sản xuất luôn nghĩ đến làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm giá thành của một đơn vị sản phẩm và các khâu đầu tư như tìm kiếm cách thức bán hàng mới và mạnh dạn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật (công nghệ phủ màn trên luống dâu), tiếp cận với hình thức bán hàng mới (bán hàng trực tuyến/ online).

Qua câu chuyện thành công đã rút ra một số bài học rất ý nghĩa:

– Sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương là quan trọng và cần thiết. Đây là điều kiện để tiếp cận KHCN, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vật tư trang thiết bị (nhà màng nhân giống, tem, nhãn sản phẩm…).

– Tự học hỏi nâng cao nhận thức của từng thành viên HTX trong thực hiện quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các khoá tập huấn, chuyển giao công nghệ.

– Sự hỗ trợ đồng hành từ các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học: KHCN, tạo lập kênh kết nối thị trường….

– Coi trọng công tác giám sát nội bộ trong HTX để có sản phẩm thực sự an toàn.

– Coi trọng liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tây.

 

Mặc dù đã trải nghiệm sau một thời gian dài với cây dâu tây, xong các chuyến tham quan mô hình nhà mang thông minh cũng như công nghệ trồng dâu tây do Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo tổ chức thì giám đốc HTX đã bố trí tham gia và học hỏi rât nghiêm túc. Qua chuyến tham quan, HTX đã rút và nhiều bài học cho mình cũng có điều chỉnh trong các công đoạn của việc thu hoạch, đóng gói và tìm kiếm chất liệu đóng gói dâu tây được tốt hơn. Ý tưởng trồng dâu tây trong nhà màng tại đất Mai Sơn cũng được hình thành mặc dù hiện HTX còn khó khăn về vốn.

Ở đây, người chia sẻ câu chuyện còn ‘tiết lộ” là giám đốc HTX Nguyễn Văn Nam không GIẤU nghề mà còn sẵn sàng chia sẻ cách làm cũng như sẵn sàng đón khách nếu các Quý vị có nhu cầu tham quan, trải nghiệm tại vùng sản sản xuất dâu tây hoặc kết hợp với thăm quan di tích lịch sử tại ngã ba Cò Nòi, Mai Sơn. Do đó, các Quý vị có thể liên hệ chỉ với Nguyễn Văn Nam, di động: 0988 257 778 tại Bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

 

 

 

 

* Nguyễn Thị Tân Lộc *

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận