Câu chuyện thành công từ chuyển đổi công nghệ của HTX Minh Đức

1. Mưu sinh từ cây khoai tây

Là người gốc quê Bắc Giang, ông Nguyễn Quang Sàn đã có nhiều năm gắn bó với cây khoai tây. Gia đình ông đã có truyền thống trồng khoai tây cho vụ đông với tổng diện tích gần 1ha. Đến những năm 2000, ông Nguyễn Quang Sàn sau một thời gian sản xuất độc lập đã tham gia hợp tác xã Sông Cầu 1, Hiệp Hòa Bắc Giang với cương vị phí giám đốc HTX. Là một hợp tác xã Nông nghiệp đa ngành, nhưng ông Sàn vẫn xem cây khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực cho vụ đông của các xã viên. Hàng năm, cứ mỗi mùa đông về, việc lên kế hoạch sản xuất, chọn giống, phổ biến kỹ thuật trồng cây khoai tây lại được ông chuẩn bị để truyền tải cho bà con Nông dân.

2. Thất bại từ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công

Mặc dù tổng diện tích trồng Khoai tây giai đoạn 2015-2018 của HTX Sông Cầu 1 đạt tới 3,0 ha. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lại không được như mong muốn của ông Sàn, do bởi các kỹ thuật sản xuất của HTX chủ yếu là thủ công; nhiều giống khoai tây đã được hợp tác xã áp dụng rất đa dạng từ có nguồn gốc nhập từ Đức, Hà Lan, Mỹ, Úc. Đi cùng với các giống đó, mức đầu tư thâm canh cho khoai tây cũng ngày càng cao nhưng vẫn có nhiều thiệt hại do sâu bệnh, sản phẩm không đồng đều.

Chính vì đa dạng giống, khoai tây của HTX Sông Cầu 1 trong những năm qua chỉ có thể tiêu thụ thông qua các thương lái thu mua nhỏ lẻ, phục vụ chủ yếu cho các chợ dân sinh, chợ rau truyền thống, thiếu các liên kết trong sản xuất. Việc thu mua khoai tây chỉ tập trung trong thời gian ngắn ngay sau khi thu hoạch, ngay sau đó vắng bóng dù giá khoai tây trái vụ rất đắt, gấp 2 – 3 lần khoai chính vụ. Hơn nữa, năng suất và chất lượng khoai tây cũng không ổn định và không tạo được nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ lớn, chi phí cho sản xuất còn cao nên tính cạnh tranh thấp.

Theo ông Sàn “đã có nhiều các doanh nghiệp tới HTX để xem xét việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên sau khi xem xét, đánh giá, các doanh nghiệp đều không ký kết hợp đồng tiêu thụ do chất lượng khoai tây không đạt yêu cầu cho chế biến và năng suất sản lượng không ổn định.” Chính vì vậy, sản xuất khoai tây của HTX vẫn luôn ở trong tình trạng nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, năng suất và chất lượng thấp, mạnh ai người ấy làm và không đảm bảo được thu nhập cho các xã viên vào vụ đông.

3. Tiếp tục thực hiện ước mơ, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất

Là người rất tâm huyết với cây khoai tây, sau nhiều lần trăn trở, ông đã quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ từ cả bên trong và bên ngoài. Bên cạnh việc tìm tòi, học hỏi kiến thức về canh tác khoai tây, ông đã tìm cách liên kết với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để tìm kiếm sự hỗ trợ về cả công nghệ và hạ tầng, những thứ rất cần thiết để có thể sản xuất khoai tây ổn định cho HTX.

Sau khi có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các kỹ thuật viên của viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam, ông biết rằng thành công hay thất bại của sản xuất khoai tây phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giống, đặc biệt là giống khoai tây sạch bệnh, cần đảm bảo độ đồng đều, sạch bệnh và phải tuân thủ nghiệm ngặt quy trình sản xuất theo các cấp độ. Mặt khác, chất lượng và mức độ hao hụt khoai tây phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện bảo quản (kho lạnh). Bên cạnh đó, thay vì sản xuất giống đa dạng như thông thường, ông Sàn đã quyết định sử dụng giống khoai tây Atlantic (giống sử dụng cho chế biến) để hướng tới cung cấp sản phẩm theo chuỗi lâu dài cho các nhà chế biến, thay vì sản xuất nhỏ lẻ như thông thường.

Về kỹ thuật sản xuất, sau thời gian tham gia liên kết và tập huấn kỹ thuật tại Việt Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Sàn đã bắt đầu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả. Trong đó quy trình canh tác của HTX ông đã có cải tiến (ứng dụng cơ giới hoá trong khâu đất, phun thuốc bằng dron, tưới nước tiết kiệm, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV), được điều chỉnh theo hướng dẫn của các nhà khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

4. Thành công bước đầu và mở rộng chuỗi liên kết trong sản xuất

Kết quả của việc thay đổi tư duy về giống và công nghệ sản xuất đã mang lại cho HTX của ông Sàn những thành công ban đầu. Trong năm 2020, năng suất khoai tây của HTX Sông Cầu 1 đã đạt bình quân 2,4 tấn/ha. Với giá bán hiện nay là 6.000 – 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào khoai tây vụ đông cho lãi ròng 4 triệu đồng. Với mỗi hộ gia đình có từ 3 – 4 sào cây vụ đông, thu nhập của các thành viên hợp tác xã có thể lên tới 12 – 16 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Khoai tây vụ đông được các xã viên trồng đầu ra khá tốt, sản phẩm làm ra được các công ty chế biến bao tiêu sản phẩm. Sau khi mua xong, một phần dùng để làm giống, số còn lại dùng để sản xuất bánh snack.

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát triển sản xuất, ông Sàn đã trực tiếp đề nghị với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác tài trợ để tiếp tục nâng tầm cây khoai tây cho HTX Sông Cầu 1. Và sau một thời gian tìm kiếm, đánh giá, HTX của ông đã được KRC (Tổ chức phát triển nông thôn Hàn Quốc) lựa chọn làm đối tác xây dựng và thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại: “Ứng dụng công nghệ Hàn Quốc để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh và phát triển chuỗi giá trị khoai tây bền vững tại Việt Nam”. Đây là một dự án hỗ trợ kỹ thuật toàn diện từ phía Hàn Quốc cho ngành công nghiệp giống khoai tây và chuỗi giá trị khoai tây bền vững góp phần thúc đẩy sản xuất khoai tây cung cấp đủ cho các nhà máy chế biến cũng như ăn tươi, hướng tới xuất khẩu.

Cho đến nay, tổng diện tích khoai tây của HTX liên tục được mở rộng, từ 2 ha năm 2018 lên gần 5 ha năm 2020, việc sản xuất khoai tây của HTX đã đảm bảo đời sống của các xã viên HTX, đồng thời các xã viên cũng được tham gia tập huấn và sử dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất, chế biến khoai tây, sử dụng các thiết bị tự động, bán tự động để kiểm soát sản xuất.

Hơn thế nữa, HTX nhờ sự hợp tác trong sản xuất, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đã có năng lực sản xuất giống khoai tây sạch bệnh để cung ứng cho thị trường theo công nghệ Hàn Quốc và sản xuất giống cây khoai tây in-vitro, sản xuất giống siêu nguyên chủng bằng công nghệ khí canh. Trong năm 2022, HTX đã mở rộng mô hình liên kết nhân rộng sản xuất khoai tây thương phẩm sạch thông qua áp dụng củ giống sạch bệnh và các giải pháp canh tác đồng bộ, tiên tiến tại các vùng trồng khoai tây chính Bắc Giang. Làm nền tảng cho liên kết theo chuỗi trong thời gian tới.

5. Bài học kinh nghiệm

Sau nhiều năm dành nhiều tâm tư với cây khoai tây, ông Sàn nhận thấy rằng việc phát triển các loại cây có củ, cây vụ đông là một việc làm vất vả nhưng mang lại hiệu quả rất lớn nếu thành công. Ông cũng cho biết, mặc dù cây khoai tây không yêu cầu quá cao về điều kiện sản xuất nhưng để đạt được hiệu quả thì cần phải có sự am hiểu và quan trọng là phải đảm bảo được tính đồng bộ trong sản xuất, từ khâu giống đến công nghệ trồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ công nghệ mới, công nghệ tự động, quy trình sản xuất sạch là rất quan trọng để nâng cao năng suất, và chất lượng. Theo ông Sản, thực tế là việc thay đổi, điều chỉnh, sử dụng các công nghệ mới không hề phức tạp, yêu cầu đầu tư đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ. Điều quan trọng là việc áp dụng quy trình vào sản xuất thực tế một cách phù hợp, phải có sự hướng dẫn của các nhà khoa học và phải duy trì được việc thực hiện quy trình đầy đủ để có hiệu quả cao nhất.

Quan trọng hơn nữa, việc xác định chủng loại giống phù hợp và hướng đi chung cho cả vùng sản xuất là điều hết sức quan trọng để đảm bảo vận hành lâu dài và ổn định của sản xuất của các xã viên. Cũng theo ông Sàn, các sản phẩm khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây hiện đang ngày càng trở nên phổ biến và tiềm năng cho sản xuất khoai tây của HTX còn rất lớn. Trong những năm tới ông dự định tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất và cung ứng, liên kết nhiều hơn với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm.

– Tạ Hồng Lĩnh –

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Lien Nguyen
Lien Nguyen
1 năm trước

Hay quá !
Một câu chuyện rất thực tiễn !