THAM QUAN TRANG TRẠI ĐỒNG QUÊ Ở XÃ VÂN HÒA, HUYỆN BA VÌ, TP. HÀ NỘI

CLB HIC THAM QUAN TRANG TRẠI ĐỒNG QUÊ, XÃ VÂN HÒA, HUYỆN BA VÌ, TP. HÀ NỘI

Một mô hình rau hữu cơ gắn liền du lịch cộng đồng và chuỗi giá trị sinh thái !

 

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hà Nội đang tạo ra hướng đi riêng phù hợp với đặc thù, trong đó có việc tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, đặc biệt kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP. hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại Đồng quê. Các mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Tiêu biểu như mô hình du lịch sinh thái – làng nghề ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì); Vườn sinh thái Phúc Thọ hoa bay (huyện Phúc Thọ)…

Trên cơ sở nhu cầu của các thành viên trong CLB Đổi mới Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả (HIC), chúng tôi đã triển khai khảo sát thực tế và quyết định lựa chọn mô hình Nông nghiệp hữu cơ sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm tại trang trại Đồng Quê, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội để tổ chức cho các thành viên tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Trang trại Đồng Quê Ba Vì hình thành như thế nào ? Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi cùng nhiều giá trị văn hóa bản địa được lưu giữ và phát huy, những năm qua, huyện Ba Vì chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… qua đó, tạo thêm nhiều nguồn lực để vùng quê miền núi ngày càng phát triển…

Chiếm phần lớn diện tích của huyện là dãy núi Ba Vì, tạo nét đặc trưng riêng của địa hình, địa chất và khí hậu nơi đây. Trên nền địa hình đa dạng, phong phú ấy, đã hình thành quần thể núi, rừng, thác, suối, thung lũng, hồ nước… Bên cạnh các khu du lịch có tiếng như: Ao Vua, Đầm Long, Thiên Sơn – Suối Ngà…, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của huyện đang có nhiều mô hình, sản phẩm mới đặc sắc.

Là một trong những người tham gia làm du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, TS. Ngô Kiều Oanh – chủ trang trại Đồng Quê chia sẻ: “Khi tìm hiểu về vùng đất Ba Vì, tôi đã nhận thấy nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch nông nghiệp, đó là các làng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Người nông dân tham gia vào các khâu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái một cách rất tự nhiên như họ vẫn làm, chỉ là được đào tạo, tập huấn thêm kỹ năng phục vụ du lịch”.

 

Hơn chục năm trước, xã Vân Hòa thuần túy là làng thuần nông, người dân sống chủ yếu nhờ chăn nuôi bò sữa. Nay, nơi đây, nhà nhà tham gia vào chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Vân Hòa thực sự lột xác trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng có tiếng ở Ba Vì với hơn 300 điểm du lịch có quy mô khác nhau. Diện mạo làng quê thay đổi nhanh chóng, xóm làng dần sạch sẽ, văn minh hơn, nhiều homestay xuất hiện. Văn hóa bản địa được bồi đắp, cảnh sắc thiên nhiên được tôn tạo với những đường hoa rợp bóng mát, nhà cửa ngăn nắp, sạch đẹp…

 

Trang trại Đồng Quê Ba Vì chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 65 km, toạ lạc trên một khu đồi nhỏ xinh xắn, tựa lưng vào dãy núi Ba Vì. Trang trại nằm trong vùng ngoại thành phía tây thuộc thủ đô Hà Nội có địa hình thiên nhiên nông nghiệp rất đẹp và đa dạng (rừng, hồ, ao, suối, sông ngòi) tiêu biểu cho một nền văn minh lúa nước vào hàng cổ đại của thế giới thuộc châu thổ II. Từ trang trại nhìn xuống, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa có hình dạng bậc thang thấp, phía sau là màu xanh ngút ngàn của khu rừng nguyên sinh thuộc dãy núi Ba Vì với ba đỉnh cao 1100, 1200 và 1300 mét.

 

Đến với Trang trại Đồng Quê Ba Vì ngoài việc nghỉ ngơi, du khách sẽ được tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu đời xung quanh trang trại với các cảnh quan đẹp, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành trong khung cảnh gia đình ấm cúng. Cũng như có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam chủ yếu dựa vào thi ên nhiên như: cấy lúa, bắt cá cua ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn v.v.

 

Đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô bạt ngàn ven các dòng sông mẹ của miền Bắc Việt Nam hàng nghìn năm đã bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng. Tại trang trại còn tổ chức những cuộc giao lưu hát múa với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao sống tại các làng sát trang trại. Một chuyến tham quan đúng kiểu du khảo và tận hưởng !

Đoàn đại biểu đã tham quan mô hình trang trại trồng rau hữu cơ, cấy lúa hữu cơ, sản xuất theo hướng thuận nhiên, bảo tồn các giá trị bản địa và các mô hình liên kết : Trại nghiên cứu Dê cừu thỏ thuộc Trung Tâm nghiên cứu giống Sơn Tây; Nông hộ nuôi đà điểu và nông hộ nuôi ong mật. Kết hợp khu bảo tồn văn minh lúa nước, bao gồm nhà tranh vách đất, các nông cụ và đồ dùng sinh hoạt thời xưa của người nông dân Việt Nam.

Qua buổi tham quan, đoàn đại biểu và các thành viên trong câu lạc bộ đã được trải nghiệm và tìm hiểu về mô hình nông nghiệp hữu cơ (có sử dụng nhiều giống bản địa), gắn kết các giá trị bản địa (kiến thức canh tác, chăn nuôi…), bảo tồn nguyên trạng có nâng cấp chính trang, tạo sự liên kết bền vững bằng giá trị văn hóa tinh thần và vật chất.

 

Đoàn đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho trang trại để cải thiện chất lượng tour du lịch, khuyến nghị áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, như công nghệ vi sinh để ủ thức ăn cho dê, chế phẩm EM để khử mùi hôi cho chuồng trại, chế phẩm vi sinh Kmina để cải tạo đất và chăm sóc rau hữu cơ Buổi tham quan cũng đã gia tăng sự găn kết giữa các thành viên CLB, hiểu biết nhau hơn và tạo cơ hội để truyền thông về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững tới người tiêu dùng. Buổi tham quan đã diễn ra tốt đẹp.

Tại đây các đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất: – Câu lạc bộ cần tiếp tục tổ chức các buổi tham quan đối với các mô hình nhằm gia tăng vai trò kết nối và tư vấn của câu lạc bộ, đáp ứng nhu cầu của các thành viên thành viên khi cần, chuyển giao kiến thức, chuyển giao công nghệ hữu ích cho thành viên.

 

Đây là cơ hội để các thành viên học hỏi về triển khai, hoặc hoàn thiện hơn mô hình hiện có. Đồng thời kết nối, tạo thành chuỗi các mô hình nông nghiệp đặc sắc, kết hợp du lịch và đào tạo nông nghiệp giữa các địa phương trong cả nước nhằm giúp người nông dân nâng cao trình độ sản xuất, gia tăng sinh kế, có ý thức bảo tồn các tri thức bản địa liên quan nông nghiệp (Giống, kiến thức canh tác…).

CLB nên kết hợp với các tổ chức ở địa phương (Hội làm vườn; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) để xây dựng một số mô hình về Rau, Hoa Quả có ứng dụng công nghệ mới, có kết hợp với du lịch nông nghiệp … làm cơ sở giúp các thành viên cơ cơ hội học tập và nhân rộng trên thực tế. Hẹn gặp lại cả nhà lần sau !!!

Nguyễn Thị Thu Liên, Ban Chủ nhiệm CLB Đổi mới Sáng tạo Rau Hoa Quả HIC

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận