THAM QUAN MÔ HÌNH TRANG TRẠI THÔNG MINH TẠI VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

THAM QUAN MÔ HÌNH TRANG TRẠI THÔNG MINH

TẠI VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 

Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Tân Lộc

Viện Nghiên cứu Rau quả

 

Ngày 18/11/2022, Câu lạc bộ Đổi mới Sáng tạo ngành rau, hoa, quả (CLB ĐMST) đã tổ chức chuyến tham quan Mô hình trang trại thông minh tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) với sự tham gia của các thành viên của CLB. Buổi tham quan đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau như Sơn La, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nội…

Mô hình trang trại thông minh là kết quả của dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến công nghệ nông nghiệp Hàn Quốc (KOAT), Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA Hanoi). Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình trang trại thông minh theo công nghệ Hàn Quốc và thử nghiệm quy trình sản xuất một số loại cây trồng có giá trị kinh tế theo hướng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Mô hình này do các chuyên gia Hàn Quốc thiết kế và sử dụng toàn bộ vật tư, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ từ Hàn Quốc chuyển sang. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng đã trực tiếp sang Việt Nam để lắp đặt và hướng dẫn vận hành mô hình. Khu sản xuất và nhà điều hành rộng hơn 1,2 ha, được xây dựng khép kín bằng khung sắt, lắp ghép sẵn và che phủ bằng lưới, bên trong lắp đặt các thiết bị như kệ trồng cây, hệ thống tưới, hệ thống làm mát bộ rễ (Điểm khác biệt nhất so với các công nghệ hiện có ở Việt Nam), điều hòa nhiệt độ, hệ thống châm phân tự động; Đặc biệt còn có phòng đào tạo, tập huấn, văn phòng làm việc, phòng máy, nhà kho, khu phụ trợ…; Hệ thống nước tưới, điện đã được cung cấp đầy đủ phục vụ cho việc sản xuất và làm việc. Khu sản xuất đã được trồng dâu tây từ tháng 5/2022, đến nay đã bắt đầu thu được những quả dâu tây đầu tiên. Thời điểm thu hoạch sớm hơn so với dâu tây trồng ngoài trời cùng trong điều kiện ở miền Bắc. Các thành viên trong đoàn tham quan đã là những người “mở cửa vườn”. Ai cũng mong đợi mang “vía lành” đến trang trại để các sản phẩm của trang trại được nhiều người biết đến.

Các đại biểu tham gia tham quan nghe giới thiệu chung về mô hình trang trại thông minh

Các thành viên trong CLB ĐMST đã có buổi tham quan, học tập hết sức thú vị liên quan đến công nghệ rất mới với nguồn gốc từ Hàn Quốc có mặt ở Việt Nam. Quá trình trao đổi, thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến việc xây dựng, lắp đặt và cách thức vận hành nhà màng, các điều kiện áp dụng; Các điều kiện, quy trình trồng, chăm sóc cây ớt và cây dâu tây trong nhà màng; Có thể áp dụng mô hình nhà màng này cho những loại cây trồng nào khác, hiệu quả kinh tế so sánh với cùng loai cây trồng ở điều kiện thông thường…. Một số thành viên đã rất quan tâm và muốn được biết rõ hơn về việc muốn có một mô hình tương tự như này tại trang trại của họ.

 

Các đại biểu tham quan tại khu vực sản xuất dâu tây và ớt

Trong quá trình tham quan thực tế khu vực sản xuất, các đại biểu vô cùng ấn tượng với việc sử dụng bẫy côn trùng ở khu vực sản xuất dâu tây. Đây là cách làm giảm sử dụng thuốc BVTV giúp có trái dâu an toàn, được các đại biểu tham quan đánh giá rất cao. Ngoài ra, việc nuôi ong trong khu vực sản xuất, tạo ra môi trường giống như ngoài tự nhiên cũng là cách để thu được trái dâu tây ngon về chất lượng, đẹp về hình thức.

Sử dụng bẫy côn trùng (màu vàng) ở khu vực sản xuất dâu tây

Trước khi chia tay ra về, các đại biểu đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến CLB ĐMST, ban tổ chức buổi tham quan. Họ đã chia sẻ: “Buổi tham quan không chỉ là cơ hội tiếp cận, học hỏi về công nghệ mới mà đây còn là cơ hội để các cá nhân, đơn vị có cơ hội gặp gỡ, được kết nối, thấy được nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực có liên quan”. Nhiều các kế hoạch hợp tác, kết nối trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm giữa các vùng/miền nhằm đa dạng sản phẩm cũng như hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ bổ trợ đã được hoạch định. Điển hình kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã (HTX) Thành Cường (Mai Sơn, Sơn La) với HTX Rau sạch Chúc Sơn  (Chương Mỹ, Hà Nội) được lên kế hoạch sẵn sàng cho một số sản phấm trong thời gian tới.

Điều phối viên CLB kết nối các thành viên và lên kế hoạch hợp tác trong tương lai

“Hình ảnh: Kết nối giữa Weather Plus và các HTX sản xuất dâu tây Xuân Quế, HTX Thành Cường thuộc xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La về khả năng cung cấp dịch vụ thời tiết và hỗ trợ về kỹ thuật canh tác cây trồng thông qua App Agri”

Thông qua buổi tham quan, ban tổ chức nhận thấy nhu cầu rất lớn từ phía các thành viên CLB ĐMST trong việc tìm hiểu và học hỏi về các công nghệ tiên tiến nhằm áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ khẳng định rằng đây sẽ cách nhanh và hiệu quả nhất để những người có nhu cầu và có công nghệ có thể gặp gỡ và tiến hành quá trình thực hành áp dụng công nghệ. Đặc biệt nhận thấy tại địa điểm mô hình trang trại thông minh này là cơ sở đào tạo các khóa học ngắn hạn cho nhiều đối tượng khác nhau như nông dân, sinh viên, cán bộ nghiên cứu trẻ…về các kiến thức nông nghiệp rất thuận lợi. Đồng thời cũng từ buổi chia sẻ về công nghệ này đã giúp ban tổ chức nhận ra sự cần thiết có những mô hình công nghệ ở các mức độ khác nhau (từ đơn giản, đến công nghệ cao) giúp các thành viên trong CLB có cơ hội học tập và hiểu sâu sắc hơn những kiến thức cần thiết.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tham quan

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận