THAM QUAN, CHIA SẺ TẠI CÁC MÔ HÌNH TRỒNG HOA TẠI XÃ XUÂN QUAN, HUYỆN VĂN GIANG, TỈNH HƯNG YÊN

Làng hoa Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nằm bên con sông Hồng mềm mại và liền sông, liền thổ với Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn của Gia Lâm, Hà Nội. Làng nối làng, sông tiếp sông, câu chuyện về làng hoa mới Xuân Quan đã mở ra cảm hứng sống động về Hà Nội trong mối tương tác với các địa phương của Vùng Thủ đô. Kể từ năm 2012, đất trồng rau màu được chuyển dần sang trồng hoa, Xuân Quan dần được định danh bởi cái tên mới là làng nghề hoa – cây cảnh (gọi tắt là làng hoa).

Hoa Xuân Quan mang về cho người nông dân từ  100-200 triệu đồng/sào/năm. Người lao động từ các nơi về làng hoa làm thuê cũng có thu nhập 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm tháng 10, 11 âm lịch hàng năm, làng hoa Xuân Quan tấp nập xe ra vào chở hoa đi Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc, tấp nập người đi chơi, thăm và mua hoa tại vườn. Chính vì vậy, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đổi mới Sáng tạo Rau hoa quả (CLB ĐMST) đã lựa chọn làng hoa Xuân Quan là một mô hình điển hình, hiệu quả để giới thiệu cho các thành viên của CLB.

Chào đón đoàn tham quan, chủ tịch xã Lê Quý Đôn có bài phát biểu và chia sẻ về lịch sử phát triển sản xuất và kinh doanh hoa tại xã cũng như giá trị từ hoa và cây cảnh mang lại: Hiện có hơn 60% diện tích đất canh tác của xã là dành cho hoa và cây cảnh với 900 hộ làm nghề trồng hoa. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã mỗi năm gần 200 tỷ đồng. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh vai trò của sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Rau quả đã góp phần tạo nên những thành công của xã trong lĩnh vực sản xuất hoa.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, ông Lê Quý Đôn phát biểu chào mừng đoàn tham quan

Thay mặt cho đoàn tham quan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Phó chủ tịch CLB ĐMST, PGS. TS. Đặng Văn Đông đã cảm ơn lãnh đạo địa phương cũng như sự sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ của các mô hình Hoa-cây cảnh.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo phát biểu cảm ơn địa phương

Các thành viên trong đoàn và Lãnh đạo địa phương đã có buổi giao lưu, chia sẻ các thông tin rất hữu ích và thể hiện được tấm lòng nhiệt tình, hiếu khách của người Xuân Quan.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo xã Xuân Quan

Xuân Quan được gọi là “làng hoa trẻ” vì được “sinh sau đẻ muộn” so với các làng hoa truyền thống ở Hà Nội như Tây Tựu, Nhật Tân, Quảng Bá… Chính vì “trẻ” nên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Quan luôn có cách đi riêng của mình. Với sự thay đổi trong tư duy, đón đầu xu hướng mới đã giúp nhiều nông dân thu được “trái ngọt”, khẳng định tên tuổi làng hoa Xuân Quan. Năm 2018, Xuân Quan vinh dự được đón bằng công nhận làng nghề trồng hoa cây cảnh, khẳng định thương hiệu và mở ra hướng phát triển bền vững.

Điểm khác biệt ở Xuân Quan là các hộ đã không chọn hoa cành để sản xuất như nhiều làng hoa khác, mà chọn hướng đi riêng đó là trồng những loại hoa mang lại giá trị cao như hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, cây trang trí nội ngoại thất… Và chọn hình thức liên kết với địa phương khác để trồng các loại hoa dạng lá, cây cảnh, cây công trình. Như vậy, tại đây, hội tụ đủ các  chủng loại hoa-cây cảnh, hấp dẫn đa dạng đối tượng khách hàng bán buôn, bán lẻ và cả người tiêu dùng.

Để áp dụng được các công nghệ cao vào trồng hoa, nông dân Xuân quan – được sự giúp đỡ của các cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả – cũng rất chịu “chơi” khi cùng nhau tổ chức đi sang các nước Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan để học nghề trồng hoa bằng nguồn kinh phí tự đóng góp. Để chủ động nguồn giống hoa chất lượng, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, các nhà nông ở Xuân Quan đang từng bước cải tiến quy trình kỹ thuật, đầu tư khoa học kỹ thuật gieo ươm sản xuất cây giống và lai ghép ra nhiều giống hoa cây cảnh mới, giá trị thẩm mỹ cao. Nhờ sự sáng tạo, khéo léo và táo bạo ứng dụng công nghệ cao của người trồng hoa, hoa Xuân Quan đẹp, bền có tiếng, được xuất đi khắp các tỉnh, thành phố.

Hiện ở Xuân Quan đã có nhiều doanh nghiệp kết hợp hài hòa giữa sản xuất và tiêu thụ hoa cây cảnh các loại, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, trong và ngoài nước như: HTX Hoa cây cảnh xã Xuân Quan; Công Ty TNHH Thủy Cam; Công Ty TNHH Ngọc Bảo; Nhà vườn Phong Tuyền. Nhà vườn Chuyền Ngạn, Nhà vườn Quảng Uyên, Nhà vườn Cảnh Hường; nhà vườn Hữu Huyền …

Mô hình tại Xuân Quan cho thấy những yếu tố để mang lại thành công như hiện tại cho người dân nơi đây bao gồm: (i) Người dân Xuân Quan rất năng động dù đi sau, xong đã biết đón đầu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Họ biết gắn kết với các đơn vị nghiên cứu gần trên đại bàn của xã như viện Nghiên Cứu Rau Quả, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam nên kế thừa được các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tiếp cận được nguyên vật liệu, vật tư tiên tiến; (ii) Họ biết tận dụng cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, đặc biệt là các khu đô thị xanh như EcoPark, Vinhome Ocean Park, các đô thị của thành phố Hà Nội… nên người dân đã khai thác tối đa lợi thế để tiêu thụ các sản phẩm làm ra; (iii) Họ biết tận dụng các lợi thế về khả năng tiêu thụ nên đã liên kết với các vùng khác nhau để tổ chức liên kết và tiêu thụ sản phẩm như với Thái Bình, Hà Nam toàn bộ sản phẩm về hoa và cây cảnh ở dạng lá; với miền Nam là các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu. Tận dụng các thế mạnh của các sản phẩm nhập khẩu như các hoa, cây có xuất xứ từ Trung Quốc ở sự đa dạng từ cây dải thảm, cây công trình, đến cây trang trí trong nhà, ban công, các loại cây như bàng, cây cảnh từ Hàn Quốc….

Qua chuyến tham quan, các đại biểu đều cho rằng, điểm mạnh lớn nhất của người Xuân Quan đó là sự đoàn kết từ lãnh đạo cho đến các hộ nông dân. Mặc dù các mô hình có hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ khá giống nhau nhưng họ đã bổ sung thế mạnh cho nhau nên đảm bảo được việc giữ chân khách và tạo nên mạng lưới các đơn vị sản xuất và cung ứng tốt. Chuyến tham quan mô hình hoa tại Xuân Quan đã chia sẻ cho các thành viên trong đoàn về ưu điểm cũng như lợi thế do ngành sản xuất hoa mang lại. Nhiều thành viên của CLB đến từ các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình đã thể hiện sự quan tâm và mong muốn áp dụng được cách thức tổ chức sản xuất và tạo được sự liên kết với các mô hình đã tham quan, học hỏi ở Xuân Quan để mở ra hướng đi mới cho riêng mình ở địa phương của họ. Ấn tượng hơn đó là một số thành viên đã thu thập một số cây giống hoa để về triển khai mô hình tại địa phương và mong đợi có sản phẩm phục vụ ngay dịp Tết Quý Mão.

Ban truyền thông – HIC

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận