Tham quan các mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rau, hoa, quả kết hợp du lịch, theo tư duy kinh tế

Chuyến tham quan đã mang lại nhiều ý nghĩa, không chỉ là cơ hội học tập mà còn dịp để giữa các thành viên kết nối và đặc biệt học được tinh thần khởi nghiệp, say mê với nông nghiệp. Tạo sự yên tâm khi thấy nhiều cơ sở quyết tâm đầu tư và đầu tư lớn vào làm nông nghiệp.

Ngày 9-10.12.2023 CLB Đổi mới sáng tạo Rau Hoa Quả tổ chức tham quan các mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rau, hoa, quả kết hợp du lịch, theo tư duy kinh tế nhằm xác định hướng làm nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả cao. Sau chuyến đi mọi người đều thấy, cần thiết duy trì CLB đổi mới sáng tạo rau hoa quả, cần thiết có những buổi talk show chia sẻ về các chủ đề chuyên sâu nhằm giúp giải quyết những khó khăn mà các thành viên gặp phải.

Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều các mô hình tổ chức sản xuất rau, hoa, quả tại các địa phương khác nhau hoạt động rất hiệu quả. Mỗi mô hình có những nét sáng tạo riêng ở các khía cạnh như: Hình thức tổ chức; Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; Áp dụng hình thức tiêu thụ sản phẩm mới (ví dụ như ứng dụng IoT, bán hàng trực tuyến….). Thực tế, các thành viên trong CLB luôn mong muốn được học hỏi nhằm cập nhất những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cũng như là sáng kiến tại các mô hình, trên cơ sở đó, để áp dụng vào mô hình của mình. Từ nhu cầu của các thành viên trong CLB cũng như quan sát thực tế của các mô hình, Ban chủ nhiệm của CLB nhận thấy cần thiết có sự tổ chức tham quan, để giúp cho các thành viên có điều kiện được học hỏi, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các cách thức vận hành 1 đơn vị trong sản xuất và tiêu thụ rau, hoa, quả.

Các thành viên trao đổi trước tham quan

CLB Đổi mới sáng tạo đã lựa chọn một số mô hình tham quan tiêu biểu đó là: Tại Hà Nội thăm cơ sở nghiên cứu và một số mô hình trình diễn giống, tiến bộ kỹ thuật mới về rau, hoa, quả củaViện Nghiên cứu Rau quả; Thăm mô hình sản xuất rau hữu cơ của HTX Cuối Quý và mô hình trang trại sinh thái du lịch của ông Nguyễn Văn Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng); Thăm mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả cao, an toàn bền vững của HTX Đan Hoài (thị trấn Phùng huyện Đan Phượng); Mô hình sản xuất hoa lan quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu, của Công ty TNHH Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Tại Hưng Yên thăm mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao của HTX An Thịnh Phát (xã Tống Trân, huyện Phủ Cừ); Mô hình sản xuất hoa chậu chất lượng cao (tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang).

Thành phần tham gia của đoàn tham quan gồm: 32 đại biểu và 2 cán bộ trong Ban tổ chức. Các đại biểu đến từ nhiều vùng, miền khác nhau như: Hà Nội; Hưng Yên; Hải Dương; Thái Bình; Sơn La, thuộc nhóm/thành phần: nhà sản xuất rau, hoa, quả; nhà kinh doanh rau hoa quả (bao gồm cả trực tiếp và online); Cán bộ quản lý (Sở/Chi cục thuộc sở Nông nghiệp PTNT); Cán bộ nghiên cứu (Viện nghiên cứu, trường đại học); Truyền thông (luật sư, nhà báo). Đơn vị cung ứng dịch vụ (Weather Plus và Vi Book).

Sáng ngày 09/12/2023, thăm cơ sở nghiên cứu và 1 số mô hình trình diễn giống, tiến bộ kỹ thuật mới về Rau, Hoa, Quả tại Viện Nghiên cứu Rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội).

Buổi đầu tiên của chuyến thăm các đại biểu được tận mắt chứng kiến các giống hoa mới của Viện Nghiên cứu Rau quả: Hoa lan hồ điệp thơm HĐ 01; Giống lay ơn Việt Hà 09, giống hoa hồng Phú Quý, các giống hoa đồng tiền, dạ yến thảo, các quy trình công nghệ là hoa mới… ; Thăm Phòng nuôi cấy mô tế bào – biết được ý nghĩa, giá trị, quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào; Thăm các khu trình diễn, sản xuất rau, quả bằng các công nghệ khác nhau… từ đó các đại biểu đã hiểu thêm thế nào là công việc nghiên cứu của 1 cán bộ nghiên cứu khoa học, hiểu thêm giá trị khoa học mà các nhà khoa học ngày, đêm nghiên cứu sáng tạo và cũng biết được 1 địa chỉ tin cậy, cung cấp giống mới, các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Đến chiều cùng ngày, các thành viên được tham quan “Mô hình sản xuất rau quả an toàn của Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát tại xã Tống Trân, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên”.

Các đại biểu đã biết “Thế nào là 1 mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao (CNC) và 4.0; Học được cách thức quy hoạch, quản lý trang trại: ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ”. HTX An Thịnh Phát và HTX Tân Minh Đức (TMĐ) chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất dưa chuột baby trong nhà lưới và cách xử lý đất khi cây nhiễm vi khuẩn, vi rut. Giữa các thành viên trong đoàn cùng nhau học được cách thức ứng dụng dịch vụ của WeatherPlus thông qua App AgriMobi với sự hướng dẫn thêm của chuyên gia công ty Weather Plus; Các thành viên trong đoàn chia sẻ về cách thức cần thiết cải tiến các khâu trong quy hoạch: cách xác định khoảng cách giữa các nhà lưới sao cho thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại và đảm bảo nhiệt độ, nhất là mùa hè. Các thành viên học được nhiều kinh nghiệm rất sáng tạo về cách thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX, đặc biệt hình thức tổ chức sản xuất và bán hàng tập trung. Kết quả là, ngay tại điểm thăm quan này trong ngày, đã có 4 đơn vị trong đoàn trao đổi thông tin để kết nối cùng nhau trong việc nhân rộng mô hình.

Tiếp đến là “Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên”.

Tại đây, các thành viên đã học được rất nhiều bài học quý giá từ việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Khai thác thế mạnh trong thương mại; Cách thức tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật; Chủ động tìm kiếm nhà khoa học, gắn kết và duy trì mối quan hệ (kể cả khi sản xuất giỏi, có tiềm lực kinh tế vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin với các nhà khoa học. Bài học ý nghĩa nhất đó là: “Xuân Quan có văn hoá cộng đồng bảo nhau được. Lãnh đạo công tâm, nêu gương cho bà con hỗ trợ nhau. Cả làng đồng giá bán cho cùng chủng loại hoa. Nhà bên còn bán hộ hàng cho khách khi chủ vắng nhà. Tất cả các loại dịch vụ công cộng như trông giữ xe đều miễn phí..” (Nhận xét của TS. Lê Quý Kha – đại diện cho đoàn CLB sau khi thăm làng hoa Xuân Quan). Đây còn là mô hình biết gắn và duy trì mối quan hệ giữa cơ quan khoa học và người dân, để tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật một cách nhanh nhất.

Sáng ngày 10/12/2023, tham quan tại “Mô hình của HTX sản xuất và tiêu thụ Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phương, huyện Đan Phượng”.

Mọi người có nhận xét đây là mô hình có người phụ nữ quản lý Đảm đang nhất: Hai vợ chồng đi lao động ở Đài Loan về, cùng bắt tay khởi nghiệp làm rau an toàn, hữu cơ, sau 7 năm, họ đã có 5ha nhà màng, sản xuất rau đạt chứng nhận hữu cơ, với tinh thần, vượt khó, luôn luôn vì cộng đồng. Với lòng thương yêu con người, chị luôn luôn hy sinh bản thân mình, chia sẻ cho hàng ngàn người, hàng vạn học sinh tinh thần khởi nghiệp, chị nói tiếng Trung thành thạo, đi dự hội thảo Quốc tế tại khách sạn Daewoo bằng chiếc xe thồ chở rau quen thuộc, và được Thủ tướng Lào biết tới, đang trải thảm đỏ, mời sang giúp nông dân nước bạn mô hình tương tự, với chính sách đãi ngộ đặc biệt, nhưng chị vẫn đang nặng lòng với quê hương. Chị sẵn sàng tư vấn cho người sản xuất về cách làm, cách lựa chọn chủng loại giống rau mà người tiêu dùng đánh giá cao. Thường xuyên giúp (bao ăn, ở) cho các sinh viên từ các trường đại học, nông dân từ các vùng khác đến học tập ở tại nhà mình và dạy miễn phí. Sẵn sàng tới các địa phương khác tư vấn sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao.

Kế tiếp là “Mô hình rau, quả và hoa có kết hợp với du lịch sinh thái tại trang trại của Ông Nguyễn Văn Hợi (Vườn nho Hợi Hường) tại khu bãi Tổng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng”.

Đoàn được nghe chia sẻ về sự hình thành và phát triển của trang trại với đa dạng các loại cây trồng từ rau, hoa và quả. Đây là đơn vị mạnh dạn trồng nho hạ đen thứ 2 ở miền Bắc. Được vào tận vườn nho, học cách quy hoạch và chăm sóc nho, nhất là khắc phục những khó khăn nhất về phần sâu, bệnh của nho. Học cách thức tổ chức làm du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp và nhất là cách hấp dẫn du khách. Có ngày cuối tuần cao điểm đã thu hút 700 khách (Trang điểm cho khách theo yêu cầu tại vườn nho…). Cách tính thu vé từ khách du lịch… Các thành viên nhận xét đây là cách làm gia tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích rất hiệu quả.

Với việc tham quan “Mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả cao, an toàn bền vững tại xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội”

Chiều ngày 10/12/2023, các thành viên được tham quan  mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả cao, an toàn bền vững tại xã Đan Hoài.

Kết quả cho thấy đây là 1 trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập/đơn vị diện tích cao nhất (xấp xỉ 25 tỷ/ha/năm, đồng thời hiệu quả kinh tế cao và an toàn nhất (15 năm, chưa hề thất bại): Mô hình do nữ làm chủ – Nguyên tắc quản lý chặt chẽ giúp nâng cao ý thức của lao động và là cách thức tuân thủ các quy đinh nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất. Bài học rút ra: nếu chọn đúng đối tượng hoa, biết áp dụng khoa học công nghệ, luôn đổi mới sáng tạo, sẽ mang lại thành công.

Với “Mô hình sản xuất hoa lan quy mô công nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu.

Đây là mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại tiến nhất hiện nay với quy mô 30.000 m2 nhà kính và 1 hệ thống phòng nuôi cấy mô tế bào công suất 5 triệu cây lan hồ điệp/năm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Từ đây các đại biểu đều thấy, trong tương lai Việt Nam sẽ dần dần chủ động được giống hoa cao cấp (trước đây đều phải nhập khẩu). Giúp các thành viên có hướng suy nghĩ về cách làm hiện đại, chiến lược phát triển thương hiệu và có tư tưởng hội nhập, không nhất thiết phải ra nước ngoài cũng có thể tiếp cận được công nghệ và cách làm tiến bộ kỹ thuật hiện đại.

          Bên cạnh kết quả là chuyến tham qua, giữa các thành viên còn có sự kết nối thông qua chuyến tham quan

Kết quả đạt được ngoài dự định của chuyển tham quan đó là có sự kết nối với nhau như sau:

– Giữa các HTX trong đoàn với những người kinh doanh online và offline:

+ HTX Tân Minh Đức (TMĐ) với người bán hàng online ở Hưng Yên (Bên cạnh đó các đại biểu đều lấy điện thoại của TMĐ để mua dưa lưới và dưa vàng).

+ HTX sản xuất dưa (HTX An Thịnh Phát) với Hộ kinh doanh online.

+ Các HTX sản xuất và chế biến long nhãn và hạt sen ở thành phố Hưng Yên với công ty kinh doanh và người bán hàng online.

+ Người kinh doanh cung ứng dịch vụ Weather Plus có cơ hội giới thiệu với tất cả các đơn vị sản xuất cũng như cán bộ quản lý tại Sở và được ứng dụng thử thông qua App Mobi- Agri.

+ Tất cả các thành viên được tiếp cận với thông tin nền tảng Vi Book, một nền tảng bán hàng online có kết nối giữa Vi Book và các trang thương mại điện tử khác như: Shopee, Lazada…

– Giữa các HTX với Viện Nghiên cứu Rau quả: Biết thông tin về các giống mới vè nắm thêm được các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, rau, quả.

  • Giữa các HTX ở miền xuôi với HTX ở Sơn La khi họ nhận thấy tiềm năng về quỹ đất sản xuất ở vùng cao và khả năng đầu tư cũng như kỹ thuật áp dụng của các HTX tại Hà Nội và Hưng Yên.

Và sau đó, chúng tôi tin rằng còn rất nhiều kết nối khác sẽ được triển khai.

Trước khi chia tay các thành viên, Ban tổ chức có tổ chức đánh giá và tổng kết chuyến tham quan. Ở đây, tóm tắt đánh giá của đại diện của các thành viên trong đoàn.

Lời đánh giá của Ông Phan Ngọc Oanh – Nông dân của HTX Hoa Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên

Báo cáo với toàn thể hội nghị, trong những ngày đi thăm quan, tôi cũng rất để ý và chăm chú từng cử chỉ hành động của những người đã chia sẻ và cả những người trong đoàn. Có những người chia sẻ những cái mà người ta làm được chứ mình không làm được hoặc là người ta có tiềm lực hay là không có tiềm lực, nhưng theo tôi nghĩ là tất cả chúng ta phải có suy nghĩ tích cực, không có hãy tạo ra. Ví dụ như tôi, tôi luôn có khẩu hiệu “không có hãy tạo ra”, tôi luôn nghĩ tích cực “người ta làm được thì mình cũng làm được”. Từ cái đó, mình phải có tư duy vì khi có 1 tư duy tích cực thì trong đầu mình có cái gì thì ngoài đời mình có cái đấy. Như chúng tôi cũng có dịp được đi nước ngoài cùng anh Đông, cùng với các nhà khoa học. Sang nước ngoài chúng tôi có suy nghĩ “nước ngoài làm được thì nước ta cũng làm được”. Chính về suy nghĩ tích cực nên Xuân Quan chúng tôi có được 1 làng hoa như vậy, cho nên là tôi cũng có chia sẻ với 1 số người, một số người nói Xuân Quan chúng tôi có điều kiện tự nhiên nên có làng hoa như vậy, tự nhiên có thị trường như vậy, nhưng tôi nói không có gì là tự nhiên cả, Làng Xuân Quan có được như ngày hôm nay cũng trải qua rất nhiều vất vả, có nhiều người nhiệt huyết như chúng tôi. Ví dụ như là chỗ của anh Đông cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, lãnh đạo của xã cũng vào cuộc. Xuân Quan chúng tôi có rất nhiều người có suy nghĩ tích cực như chúng tôi. Trung Quốc làm được thì Xuân Quan làm được, ngày nay đã có làng hoa được như vậy.

Từ những buổi chúng ta được đi như thế này, thì chúng ta về chúng ta phải có thay đổi về cách nghĩ. Mỗi người có 1 cách làm, mỗi người có 1 suy nghĩ, mỗi người có 1 cách nhìn, nhưng tôi có đúc kết “Tất cả mọi người ở đây phải THAY ĐỔI, THAY ĐỔI VÀ THAY ĐỔI”, việc mới phát triển được, mới bắt kịp được xu thế phát triển của thế giới, chứ chúng ta mới chỉ có loanh quanh 1 vùng thôi, nên tôi mong muốn có 1 đợt nào đó liên kết cho anh em chúng tôi sang Đài Loan để thăm quan được liên kết được mở rộng tầm nhìn.

Cuối cùng, tôi xin chúc các thành viên CLB Đổi mới sáng tạo mạnh khỏe và có nhiều thành công.  Và tôi xin nói thêm 1 câu nữa “học thì phải hỏi, học mà không hỏi thì sẽ không thành công”.

Ông Phan Ngọc Oanh – Nông dân của HTX Hoa Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên (phát biểu trong khi tổng kết chuyến đi )

Lời đánh giá của Ông Đặng Văn Ngoạn

Báo cáo các đồng chí tham dự buổi thực tế của đoàn chúng ta đợt này. Qua chuyến tham quan này chúng ta học tập được rất là nhiều:

– Về phía hộ nông dân, chúng tôi cũng thấy được là bản thân chúng tôi cũng là những người lãnh đạo, chúng tôi cũng rất là muốn có các chuyến đi như thế này. Nó tạo được đổi mới sáng tạo đúng như tên của CLB. Nó giúp giao lưu học hỏi và học tập thực tế tại các địa phương và về áp dụng vào cái thực tế của địa phương mình và từ đó làm thay đổi tư duy của chính một số các cá nhân được đi thăm quan tại hoặc qua quá trình chuyền đạt, ta có thể mở rộng thêm 1 số đối tượng để mà khi người ta tiếp cận được hay là dẫn dắt, giới thiệu của mình của buổi thực tế đi các địa phương, từ mô hình thực tế của địa phương đấy, ta có thể học hỏi và từ đó nhen nhóm lên rằng người ta có thể đổi mới sáng tạo và đột phá nên cách mới, cách làm riêng. Đây là cái mà chúng tôi cảm nhận qua các chuyến đi và chúng tôi rất là mong có các chuyến đi như này thì người dân mới là thực tế để có thể là tự sáng tạo được.

– Thứ 2, chúng tôi muốn rằng là mấy tỉnh của các bác tham dự hội nghị, 1 số ý kiến chúng tôi cũng nhất trí nhưng 1 số ý kiến là chúng tôi cũng muốn là không phải dưa lưới là đi học là không áp dụng được hoặc là hoa của chúng tôi cũng như vậy, hoa của chúng tôi ở tất cả các tỉnh đều có 1 hoặc là khu vực người ta có thể tự sản xuất hoa ra được rồi, người ta tự cung cấp thị trường hoa ở đó. Chúng ta phối hợp đi thăm quan các tỉnh để tạo ra được các sản phẩm nó đa dạng hơn, học tập lẫn nhau để chuyển đổi và có thể là áp dụng, mặc dù là khía cạnh rất là nhỏ nhưng người ta có thể tiêu thụ được thì cũng là tạo ra sản phẩm, tạo được thu nhập thì đây cũng là cách đi học hỏi thực tế và qua thăm quan thực tế của CLB đã đầu tư, giúp đỡ mọi người trong CLB đi thăm quan như vậy là 1 cái rất là tốt.

Ông Đặng Văn Ngoạn – HTX Sen Vân Đài, Hưng Hà, Thái Bình

Lời đánh giá của Ông Phan Mạnh Tuấn

Rất may mắn tôi được tham gia cùng với CLB lần này là lần đầu tiên, thì ngay từ lúc ngồi với nhau ở trên Viện, mới có nửa buổi thôi đã có 1 bộ sách rồi chính vì ngoại đạo nên mới có lợi thế là cái gì cũng muốn nghe, cái gì cũng mới, cái gì cũng là hay. Có 1 cái quy tụ lại tất cả mọi cái để khởi nghiệp đó là tình yêu, tình yêu của cả con cả chồng cả gia đình, nền móng của họ, từ đam mê mới dẫn đến tìm hiểu học hỏi. Còn 1 mô hình nữa là như chị Quý là bằng cả lòng tốt của mình sẵn sàng hỗ trợ, đi hết mọi nơi, bây giờ đến Thủ tướng Lào cũng biết… Có rất nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta học được cái tinh thần khởi nghiệp cộng với các kỹ thuật đằng sau đó nó sẽ hình phát chung. Còn 1 số yếu tố tôi nhìn thấy trong đợt này là nông nghiệp đợt này là phải có nhiều công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bắt buộc phải tích tụ ruộng đất, bắt phải hợp đồng để tiêu thụ. Đấy là những cái tôi nhìn thấy, chúng ta phải khai thác nó ra. Chúng ta phải dùng giọng ngữ của luật sư để tham gia vào thì mới thay đổi với những điều kiện bây giờ đang không thuận lợi cho nông nghiệp Việt Nam. Tôi rất cảm ơn bên CLB đã tổ chức chuyến đi đợt này, bỏ ra 2 ngày thu được lượng kiến thức bằng 20 năm.

Ông Phan Mạnh Tuấn – Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi

Lời đánh giá của Ông Hoàng Minh Thư

Cảm ơn sự quan tâm của CLB đã tổ chức chuyến đi. Theo chúng tôi thấy là rất bổ ích, bởi thực ra là như tôi cũng đã nói từ hôm qua rồi “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Chúng ta cứ tưởng nghĩ thế thôi chứ ra ngoài còn nhiều cái hay lắm, chúng ta quá lạc hậu mà chúng ta cứ tưởng thế là hay, cứ tưởng ta làm là hay, là đúng rồi nhưng quả nhiên là không đúng. Thực ra nói đơn giản ngắn gọn như thế này, việc bé nhất như việc tổ chức của CLB năm nay là rất chu đáo, nhiệt tình, tận tình với từng ly từng tí. Được đi thăm quan thì tôi thu nhận được nhiều, ở đây, tôi xin nói tóm tắt từng mô hình một:

– Chỗ Viện, thì chúng tôi biết cách viện tạo ra hoa lan, đồng nhất là nuôi cấy mô mà từ lần trước tôi đã nói với anh Đông là lần trước tôi có được vào đâu, lần này tôi mới được biết anh nuôi cấy mô. Đấy cũng là một cái để mà biết chứ như các công ty, các doanh nghiệp, các HTX như chúng tôi thì không thể làm được nuôi cấy mô, nhưng phải biết được tại sao nó lại có được cái cây lan đấy, cái đấy cũng rất là hay.

– Cái thứ 2 nữa là đến mô hình của anh Phương, thì chúng tôi cũng là những người trồng dưa, nhưng mà phải nói là của người ta, cách bố trí nhà xưởng của người ta là hợp lý hơn chúng tôi, nó đảm bảo rất tốt và đặc biệt là vệ sinh đồng ruộng là rất tốt chứ, sạch sẽ, đường bê tông thông thoáng giữa nhà nọ nhà kia. Diện tích 1 nhà chỉ có 1 nghìn mét vuông thôi, nó có khoảng cách 2-3 mét rất thoáng, làm như thế là rất đảm bảo, rất an toàn, chúng tôi vẫn có những nhà 5-7 nghìn mét, cho nên nó rất là bất cập trong khẩu tổ chức sản xuất.

– Tiếp đến là mô hình hoa thì để mà nói, cái hoa chỉ để thăm quan mà biết vậy thôi, biết cách tổ chức, biết cách người ta mạnh dạn người ta làm từ ban đầu đến như thế, học được cách người ta mạnh dạn, từ chính quyền xã, và được sự hỗ trợ của Viện để người ta chuyển đổi, Như thế là 1 cái mạnh dạn thôi chứ thực ra chúng tôi không có hi vọng là làm được cái hoa đấy. Thấy người ta làm được về là mình cứ làm, cứ học theo mà làm thì thất bại đấy, cho nên là phải sàng lọc, cái gì nên làm và không nên làm.

– Sáng nay là đến chỗ của chị Cuối, quả như 1 mô hình, 1 con người đầy nghị lực đầy quyết tâm, đam mê với nông nghiệp, tôi thực ra mà nói đến giờ này thì tôi cũng không còn ít tuổi nữa nhưng vẫn còn trụ được như này thì tôi đã cho là mình đam mê rồi, hăng say rồi, nhưng đối với con người ấy đam mê như thế là tự làm mọi chuyện chấp nhận thực tế để người ta thành công đến thời điểm bây giờ chưa phải mĩ mãn chưa phải người ta có bao nhiêu tỉ nhưng người ta chỉ có được khu nhà như đó thôi nhưng đấy là 1 con người cực kỳ đam mê với lòng quyết tâm cao với nông nghiệp. Cái đấy là người ta phải học hỏi, người ta có như thế mà người ta sẵn sàng làm từ thiện, giúp đỡ những người khác, giúp đỡ thiên nhiên. Đấy là một mô hình mà chúng tôi cũng cần đáng học tập. Chứ còn như chúng tôi, mỗi 1 năm bỏ ra 5-7 chục triệu để hỗ trợ chỗ này chỗ kia so với người ta thì không là cái gì. Cho nên là cái đấy là cái cần học tập.

– Với 1 cái mô hình nữa, là mô hình vừa rồi về hoa lan, đấy là 1 cái mô hình mà phải nói là hiệu quả kinh tế cực kỳ cao, cách thức tổ chức của người ta rất là tốt được như thế, từ 1 cái trang trại chăn nuôi mà làm được như thế không phải là đơn giản, nếu người mà không có quyết tâm đam mê với nông nghiệp thì không dám làm, sự đam mê của người ta, đam mê để có thu nhập, đam mê để có công ăn việc làm cho người khác và đam mê làm đẹp cho xã hội. Đấy là cái mà đáng trân trọng.

– Cuối cùng là cái hoa ly, thì hoa ly là đúng người ta làm giàu có tiếng về hoa, giỏi về hoa rồi, chúng tôi cho là cái gì chúng ta phải phân tích, đánh giá, sàng lọc, cái gì mình tiếp cận được thì mình tiếp cận, cái gì mà mình phải sửa thì nên phải sửa.

Ông Hoàng Minh Thư – PGĐ HTX Tân Minh Đức – Gia Lộc, Hải Dương

Còn về phía BTC đánh gia, đây là một chuyến tham quan rất thành công, ý nghĩa.

Nguyễn Thị Tân Lộc, PGS.TS. Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận