Nội dung buổi tập huấn ngày 13/06/2023

Sáng ngày 13/06/2023, Trong khuôn khổ dự án Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả HIC, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng với tổ chức CSIRO tổ chức buổi tập huấn nhằm mục đích đánh giá đa rủi ro và hòa nhập xã hội; phân tích cơ hội để hỗ trợ đổi mới cũng như phục hồi khả năng của ngành sản xuất, kinh doanh rau, hoa, quả sau những cú sốc, chủ đề “Thực phẩm nông nghiệp và Biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng chống chịu để thay đổi nhanh chóng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”

Cuộc tập huấn có sự tham dự trực tiếp và online của chuyên gia CSIRO, đại diện đại sứ quán úc, Bộ Khoa học và Công nghệ, các nghiên cứu viên, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm hệ thống nông nghiệp – Viện Cây lương thực, cây thực phẩm, Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Nghiên cứu rau quả; người sản xuất, người kinh doanh sản phẩm nông sản, một số nhà khoa học là thành viên của Câu lạc bộ. Các tài liệu tập huấn và thông tin tập huấn đều được chia sẻ rộng rãi trên website và trong các nhóm ZALO của CLB.

Với mục tiêu nâng cao hiểu biết về các rủi ro khí hậu; hiểu biết về các cơ hội mới nổi cho đổi mới sáng tạo; Hiểu biết về các nhân tố để xây dựng khả năng chống chịu trong môi trường kinh doanh; hiểu biết về tính dễ tổn thương đối với rủi ro khí hậu gây ra cho ngành nông nghiệp, các chuyên gia từ CSIRO đã chia sẻ các thông tin về rui ro khí hậu tại Việt Nam cũng như giúp người tham gia hiểu được các mô hình chuyển đổi, hợp tác để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia CSIRO cũng đã cung cấp các thông tin để người tập huấn hiểu được khả năng chống chịu là gì; Vai trò của nâng cao sức chống chịu tới đảm bảo công bằng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường cũng như duy trì tính cạnh tranh, lợi nhuận cho những tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng nông sản hiện nay. Các ví dụ minh họa về vai trò của khả năng chống chịu thông qua việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro, phục hồi và thích ứng được các chuyê gia minh họa thông qua các hình ảnh và ví dụ thực tế một cách sinh động và dễ hiểu. Một trong những thành công của mô hình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi từ độc canh lúa sang kết hợp lúa và nuôi tôm nhằm ứng phó với ngập mặn tại vùng Duyên hải Đồng bằng Sông Cửu Long được đưa ra làm ví dụ cho hoạt động thích ứng, tăng cường sức chống chịu.

Để cụ thể hóa cho các hoạt động tăng cường sức chống chịu, các chuyên gia cũng đã tập huấn cho các đại biểu về 3 bước (Nhận định rủi ro; Đánh giá tác động; Xây dựng khả năng thích ứng) xây dựng khả năng chống chịu và các yếu tố quan trọng mà các thành viên cần quan tâm để đánh giá tác động bao gồm Chiến lược, Tài Chính, Quy trình vận hành, yêu cầu nhân lực, Các quy phạm pháp luật và yếu tố thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập tới 06 tài sản quan trọng bao gồm con người, điều kiện tự nhiên, vấn đề xã hội, cơ sở hạ tầng, tình hình chính trị và nguồn lực tài chính để xây dựng được khả năng thích ứng phù hợp với điều kiện của từng thành viên.

Một trong những điểm nổi bật của lớp tập huấn đó là trường hợp thích ứng của Xoài Calypso Úc liên hệ với trường hợp vùng sản xuất xoài ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi nghe ví dụ về sự thích ứng của chuỗi giá trị xoài Calypso Úc, các thành viên đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc gắn kết các chiến lược  mà Calypso đã thực hiện với bối cảnh sản phẩm xoài tại Việt Nam, đặt câu hỏi với chuyên gia về việc ưu tiên cho thích ứng ở khâu thương mại hay sản xuất trong điều kiện các tác nhân ở Việt Nam nhìn chung còn nhỏ và yếu, điều kiện tài chính không cho phép so với các công ty kinh doanh có nguồn tài chính tốt hơn ở Úc, xin ý kiến chuyên gia về vấn đề hợp đồng, ứng phó với tình trạng được mùa mất giá…

Cuối cùng các thành viên tham gia được thực hành ngắn hoạt động xây dựng chiến lược thích ứng và sử dụng các công cụ để ứng phó với biến đổi khí hậu, các thiệt hại do thời tiết cực đoan, sâu bệnh hại trong ví dụ của ngành rau hoa quả. Các thành viên cũng đã thảo luận nhanh và đề xuất với CSIRO một số nghiên cứu, hỗ trợ ngành rau, hoa, quả của Việt Nam mà cụ thể là một số thành viên của CLB trong thời gian tới để áp dụng tốt hơn việc tăng khả năng chống chịu trong thời gian tới.

Kết thúc buổi tập huấn, đại diện VAAS, các chuyên gia từ CSIRO gửi lời cảm ơn tới các thành viên tham gia và phát biểu bế mạc buổi tập huấn.

Tải tài liệu buổi tập huấn tại đây:

(VIE)HIC_Resilience_May_2023_Final

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận