Kết quả tập huấn chuyên đề “Nhu cầu marketing và kinh nghiệm bán thực phẩm trực tuyến”
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diến biến rất phức tạp, các nước trên thế giới và Việt Nam đều đã và đang nỗ lực và mong muốn sớm đẩy lùi đại dịch. Thực tế cho thấy, bán hàng trực tuyến có nhiều ưu điểm, bán hàng trực tuyến (ONLINE) ở Việt Nam được thực hiện sau so với các nước song lại đang phát triển với tốc độ nhanh. Đối với các nông sản thực phẩm, việc tiêu thụ qua kênh trực tuyến khá là mới mẻ. Ban đầu, chúng cũng được rao bán bằng các tài khoản cá nhân trên nhiều trang mạng xã hội như Zalo, Facebook … song kể từ khi đại dịch Covid -19 xuất hiện ở Việt Nam thì các nông sản nói chung và rau, hoa, quả nói riêng đã được các trang thương mại điện tử lớn như Voso, Shopee, Tiki, Lazada… vào cuộc và kết quả đạt được rất ý nghĩa, khẳng định tiềm năng của kênh tiêu thụ này. Như vậy, người sản xuất/người kinh doanh nông sản không cần ra chợ vẫn có thể bán hàng, người tiêu dùng ngồi nhà vẫn có bữa cơm với đầy đủ thành phần thịt, cá, rau, quả…. Mua-bán trực tuyến đã giúp mọi người thực hiện được việc hạn chế ra đường, giúp giảm nguy cơ lây lan vi rút SARS – enCoV – 2. Đó là một hoạt động ưu thế vượt trội dễ nhận thấy của hình thức phân phối thực phẩm mới này ngoài các ưu điểm như gia tăng thu nhập, rèn luyện được tính kiên trì, có thêm kiến thức và kỹ năng…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để người sản xuất rau, hoa, quả tham gia được vào kênh mua- bán hàng trực tuyến? Làm sao để họ có kỹ năng quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng và bán các sản phẩm do họ sản xuất ra trên kênh phân phối MỚI này một cách bền vững?
Để trả lời cho những câu hỏi trên và góp phần cùng các cơ quan chức năng Chính Phủ và các địa phương,ngày 28/07/2021, Ban Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Đổi mới Sáng tạo rau hoa quả (CLB ĐMST) đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến “Tiếp thị trong phát triển kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trực tuyến” trên nền tảng phần mềm Zoom nhằm hỗ trợ người sản xuất rau hoa quả, đặc biệt là người sản xuất nhỏ cải thiện việc kinh doanh, gia tăng thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh.
Phát biểu khai mạc cho buổi tập huấn, Phó Chủ tịch CLB ĐMS, PGS.TS Đặng Văn Đông đã nêu rõ mục tiêu của khóa tập huấn nhằm: (1) Cung cấp cho học viên một số kiến thức cơ bản về marketing và đặc điểm của các sản phẩm nông sản nói chung và rau, hoa, quả nói riêng; (2) Chia sẻ thông tin về nhu cầu của một số đối tượng người mua; (3) Chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm từ những người bán thực phẩm trực tuyến để các HTX/DN tham khảo và tìm ra giải pháp thúc đẩy, phát triển quảng bá và bán hàng trực tuyến phù hợp với đơn vị mình. Các nội dung trên lần lượt được chia sẻ bởi các diễn giả: bà Nguyễn Thị Sáu, bà Nguyễn Thị Tân Lộc và bà Mai Thị Hồng, là những thành viên của CLB ĐMST.
Hình 1: Phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch CLB ĐMS, PGS.TS Đặng Văn Đông
Hình 2: Phần trình bày của diễn giả Nguyễn Thị Sáu về một số phương pháp marketing
Hình 3: Phần trình bày của diễn giả Nguyễn Thị Tân Lộc về mua-bán thực phẩm trực tuyến
Hình 4: Phần trình bày của diễn giả Mai Thị Hồng về marketing hoa trực tuyến
Buổi tập huấn đã diễn ra được đánh giá là thành công về số lượng người tham gia. Có 67 đại biểu tham dự trực tuyến, nhiều gấp hơn hai lần số lượng học viên BTC mong đợi (30 người). Thành phần tham gia tập huấn rất đa dạng, bao gồm người sản xuất (các HTX), các đơn vị phân phối (doanh nghiệp, cửa hàng), cán bộ giảng dạy tại trường quản lý và đại học, các trung tâm); chuyên gia…; Các đại biểu đến từ nhiều vùng, miền khác nhau: Nam, Bắc, trong đó có cả các đại biểu đến từ các tỉnh miền núi (Sơn La, Phú Thọ…) và các tỉnh đồng bằng.
Hình 5: Các đại biểu tham gia tập huấn
Hình 6: Giới thiệu, chia sẻ của đại diện sàn thương mại điện tử Vỏ Sò
Qua thực tế, sau phần dẫn dắt của 3 diễn giả, lớp tập huấn đã nhanh chóng được thay đổi sang hình thức như một diễn đàn trao đổi và học tập kinh nghiệm thu hút được các thành viên tham gia chia sẻ những câu chuyện thực và những mong muốn. Đầu tiên, với nhóm khách mời tham dự chương trình là những doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng đã và đang áp dụng việc bán hàng trực tuyến đã chia sẻ những câu chuyện thực, những bài học “xương máu” của mình từ việc bán thực phẩm trực tuyến. Các ý kiến được tập trung về kinh nghiệm làm marketing trực tuyến (online) và kinh nghiệm bán thực phẩm trực tuyến. Tiếp theo, đó là những gợi mở của các cán bộ nghiên cứu, chuyên gia… nhằm góp phần thúc đẩy việc bán thực phẩm trực tuyến ngày càng phát triển. Về phía các thành viên làm công tác giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, chuyên gia… cho rằng các thông tin chia sẻ trong diễn đàn hôm nay rất thiết thực, rất cần được tiếp tục chia sẻ tới những người chưa biết do hiện rất nhiều người sản xuất tại khắp các vùng trong cả nước cần hiểu về vấn đề này để tự họ giải quyết phần sản phẩm đầu ra trong thời dịch bệnh và đây cũng là hướng tiêu thụ trong tương lai. Cuối cùng, tất cả các khách mời đều thấy được ý nghĩa của buổi tham gia và đặc biệt thấy được BTC đã kết nối họ thành một mạng lưới để cùng nhau phát triển.
Đặc biệt, với sự tham gia của đại diện đến từ công ty Vỏ Sò (sàn thương mại điện tử của Viettel) đã giúp các đại biểu nắm rõ hơn về khái niệm “thương mại điện tử”, mang đến cơ hội kết nối cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang tham gia trong diễn đàn cũng như mở ra cách thức liên kết mà nhiều người còn chưa được biết đến. Một số đơn vị sản xuất đã lập ngay kế hoạch để bán hàng trên trang thương mại điện tử này. Đồng thời, để hỗ trợ các đơn vị sản xuất và kinh doanh của cả nước, Ban tổ chức của CLB đã đề xuất với Vỏ Sò cung cấp danh sách các đầu mối liên hệ của Vỏ Sò ở 63 tỉnh thành. Ngay tại buổi tập huấn, Vỏ Sò đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối nông sản trên cả nước.
Như vậy, qua thực tế một lần nữa khẳng định rằng marketing trực tuyến và bán thực phẩm trực tuyến là chủ đề “nóng” được các khách mời quan tâm, muốn tìm hiểu và được hướng dẫn chi tiết hơn nữa để phát triển tiêu thụ sản phẩm theo hướng này.
Diễn đàn được khép lại nhưng những trao đổi, chia sẻ, đề xuất xung quanh vấn đề bán hàng trực tuyến vẫn diễn ra sôi nổi trên những nhóm chung của CLB ĐMST hay nhóm lớp tập huấn. Mong muốn chung của các đại biểu là được tham gia và học hỏi nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa về cách tham gia và khai thác tối đa lợi thế của các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để “yên tâm ở nhà” trong mùa dịch. Do đó, các thành viên đều mong đợi sẽ có những nguồn tài trợ để giúp được các đơn vị sản xuất có cơ hội hiểu và thực hành tiêu thụ sản phẩm theo hướng trực tuyến được hiệu quả hơn. Hình thức tập huấn, trao đổi trực tuyến hiện giờ được đánh giá hữu hiệu và thấy rằng: mát ra đồng, nắng ở nhà học trực tuyến là cách giúp người sản xuất tiếp cận với công nghệ và tìm hướng tiêu thụ nông sản./.
Nguyễn Thị Tân Lộc, Nguyễn Thị Sáu
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả