BUỔI TRUYỀN THÔNG NGÀY 22/7/2022: “BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUY TRÌNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ”
TÓM TẮT VỀ BUỔI TRUYỀN THÔNG NGÀY 22/7/2022
“BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ
QUI TRÌNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ”
Tối ngày 22/7/2022 vừa qua, CLB Đổi mới sáng tạo ngành rau – hoa – quả (HIC) đã đưa đến cho các Qúy vị đại biểu một chủ đề rất được quan tâm và đón nhận, đặc biệt là đối với các nhà trồng trọt, đó là “BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUI TRÌNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ”.
HIC đã tổ chức thành công talkshow với chủ đề “BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUI TRÌNH THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ”. Chương trình đã thu hút sự góp mặt của gần 70 thành viên trong và ngoài hệ thống hội viên của HIC.
Ba nội dung quan trọng được đề cập đến trong buổi talkshow là:
- Vai trò của Bảo hộ giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp;
- Bảo hộ giống cây trồng Việt Nam;
- Trình tự thủ tục đăng ký Bảo hộ giống cây trồng.
Tất cả các nội dung trên đã được trình bày bởi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Nguyên chánh Văn phòng –Văn phòng Bảo hộ giống Cây trồng – Cục Trồng Trọt, Bộ NN&PTNT. Hiện nay ông đang là Giám đốc Trung tâm Bảo hộ giống cây trồng thuộc Hiệp Hội Thương mại Giống Cây trồng VSTA.
Một phần vô cùng quan trọng của talkshow đó chính là thời gian thảo luận giữa các đại biểu và diễn giả. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh đã đưa ra cho các đại biểu có mặt trong zoom một số câu hỏi về các định nghĩa đã được giảng trong phần trước. Và các đại biểu cũng đặt ra một số câu hỏi cho diễn giả.
Giống cây trồng mới góp phần lớn cho chất lượng, số lượng giống phục vụ sản xuất – Bảo hộ giống cây trồng khuyến khích chọn tạo và giới thiệu giống mới cho sản xuất, góp phần thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp.
Vậy bảo hộ giống cây trồng là gì?
Bảo hộ giống cây trồng là một dạng sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo hộ cho phép chủ sở hữu quyền có QUYỀN ĐƯỢC ĐỘC QUYỀN KHAI THÁC GIỐNG.
Giống cây trồng là đối tượng sinh vật, sinh học nên có những đặc thù riêng so với các dạng sở hữu trí tuệ khác, vì chúng ta biết, trong quá trình tồn tại trong sản xuất thì nó còn tự biến đổi.
Chu kỳ sáng tạo trí tuệ trong chọn tạo giống cây trồng được thể hiện như sau: Khi tác giả tạo ra một giống cây trồng mới thì đó là một quá trình sáng tạo, và để được bảo hộ thì tác giả phải đăng ký để được công nhận quyền, sau khi tác giả có quyền thì tác giả được độc quyền khai thác giống. Trong khi sử dụng quyền này thì tác giả có cơ hội thu tiền bản quyền để bù đắp cho những chi phí mà trong quá trình chọn tạo giống tác giả bỏ tiền vào thời gian, công sức…và có chi phí cho chọn tạo các giống cây trồng mới tiếp theo.
Giống cây trồng được coi là mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó chưa được tác giả hoặc người được tác giả cho phép bán hoặc phân phối trên thị trường nhằm mục đích khai thác giống cây trồng:
– Trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn 1 năm.
– Ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn 6 năm với cây thân gỗ, cây leo thân gỗ và 4 năm với cây khác.
Giống cây trồng được coi là khác biệt nếu giống đó có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký.
Giống được biết đến rộng rãi là:
– Giống có tên trong danh mục giống bất kỳ. Có thể hiểu ở Việt Nam hiện nay gồm các giống đã được bảo hộ, giống được lưu hành trong sản xuất.
– Giống đang nộp đơn vào danh mục giống bất kỳ nếu các đơn này không bị từ chối.
– Giống có vật liệu nhân/vật liệu thu hoạch được sử dụng rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ.
Ngoài ra diễn giả còn đưa ra một số khái niệm về tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng.
Tên giống cây trồng được coi là phù hợp nếu dễ phân biệt với tên các giống cây trồng khác trong cùng một loài hoặc loài gần với loài đó; không chỉ gồm các chữ số trừ trường hợp các chữ số liên quan đến sự hình thành giống; không có khả năng lừa dối hoặc gây nhầm lẫn về đặc tính, giá trị của giống và danh tính của tác giả.
Các quyền của người đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm: Quyền ưu tiên; quyền tạm thời; sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký và rút đơn đăng ký.
Hiệu lực bằng bảo hộ có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam và có hiệu lực 25 năm đối với cây thân gỗ và cây nho; hiệu lực 20 năm đối với các cây trồng khác. Trong nhiều trường hợp, hiêu lực bằng bảo hộ có thể bị đình chỉ (hiêu lực bằng BH có thể được phục hồi) hoặc hủy bỏ.
Hình ảnh: Quy trình và thời gian thẩm định đơn đăng ký
Hình ảnh 3: Trình tự cấp bằng bảo hộ
Chi tiết về bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng gồm có:
– Tờ khai đăng ký BHGCT (truy cập http://pvpo.mard.gov.vn/).
– Tờ khai kỹ thuật (truy cập http://pvpo.mard.gov.vn/).
– Ảnh chụp (03 ảnh kích thức 9cm*15cm, phải rõ nét).
– Chứng từ nộp phí và lệ phí.
– Giấy tờ khác (nếu có).
Các đối tượng nộp đơn bao gồm: Nông dân, cá nhân, nghiên cứu viên, công ty, viện nghiên cứu, đại học.
Việc bảo giống cây trồng dù đạt được một số thành tựu, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số thách thức như:
– Khung pháp lý còn chưa đồng bộ.
– Thực thi (bảo vệ quyền) còn nhiều vướng mắc.
– Thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp…
– Sự phối hợp giữa các cơ quan thẩm quyền chưa được tốt,
Trước khi kết thúc phần trình bày của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh đã cùng trao đổi và trả lời một số câu hỏi của các khách mời trong phòng zoom.
Một vị đại biểu đã đưa ra câu hỏi như sau: “em chào anh Minh, em đang đại diện luật cho 1 tập đoàn ở EU, họ chuẩn bị nhập nhãn từ Hưng Yên, tuy nhiên một số doanh nghiệp đang chào Nhãn Sông Mã ở Sơn La. Tất cả nhãn đều được Bộ KH cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Họ hỏi em là chứng nhận chỉ dẫn địa lý có bao gồm việc giống nhãn Hưng Yên và Nhãn Sông Mã đã được bảo hộ. Và họ cần chứng minh việc này? Nhãn Hưng Yên và Nhãn Sông Mã cái nào được bảo hộ trước ạ? và có được bảo hộ giống nhãn theo chứng nhận chỉ dẫn địa lý không ạ?”
Diễn giả trả lời: “Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, CD ĐL mục đích là để chứng minh Nhãn Sông Mã và Nhãn Hưng Yên là khác nhau, không có xâm phạm quyền gì cả. Đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không liên quan đến vấn đề bảo hộ giống cây trồng. Về CD ĐL bên Cục Sở hữu trí tuệ họ đã quản lý, và nếu cần thiết, xin mời 1 chuyên gia chuyên sâu về vấn đề này để có 1 buổi trình bày cụ thể. Cái chỉ dẫn địa lý chỉ sai khi là nhãn Sông Mã nhưng lại mang về Hưng Yên và tráo vì nhãn Hưng Yên được bán đắt hơn, thì đó được coi là vi phạm và nhóm nông dân, người được sở hữu chỉ dẫn địa lý ở Hưng Yên có quyền ngăn cản”.
Anh Hồ Vinh có hỏi rất hay: “Em muốn hỏi thời gian khảo nghiệm giống cây trồng lâu năm thì phải làm theo hàng năm hay có thể trồng cho nó to trước rồi mới mời chuyên gia về khảo nghiệm?”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh chia sẻ: “Trong Luật Sở hữu trí tuệ, phương pháp khảo nghiệm thì người ta chấp nhận 03 phương pháp. Thứ nhất là khảo nghiệm do cơ quan khảo nghiệm của Nhà nước tiến hành gọi là khảo nghiệm tập trung; thứ hai khảo nghiệm có thể sử dụng kết quả là tác giả tự làm theo hướng dẫn của cơ quan bảo hộ (không phải tác giả tự làm từ đầu đến cuối, mà có một số cây, ví dụ cây nhãn, phải trồng 5 – 7 năm mới có quả; nếu đưa về trồng tập trung tại cơ quan khảo nghiệm thì rất lâu và không chờ được. Vây nên người ta cho phép sử dụng cái vườn đã có của tác giả để thẩm định. Trong trường hợp đấy, văn phòng bảo hộ giống cây trồng đi thẩm định nhãn trong vườn tại thời điểm giống nhãn thể hiện nhiều tính trạng nhất thì cán bộ có thể vào vườn để thẩm định. Nếu trong tờ khai ban đầu càng chi tiết, thì quy trình khảo nghiệm càng ngắn gọn).
Và còn rất nhiều các vấn đề, các câu hỏi được diễn giả và các vị đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi cùng nhau.
Buổi talkshow đã kết thúc thành công tốt đẹp, mọi người cùng nhau lắng nghe, trao đổi, tương tác với diễn giả rất sôi nổi.
Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh đồng hành cùng chúng tôi trong hơn 3 giờ để đưa đến các quý vị đại biểu những thông tin bổ ích.
Xin chân thành cảm ơn các quý vị đại biểu đã lắng nghe và rất mong được gặp mọi người trong những buổi talkshow tiếp theo của CLB HIC!
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI TALK SHOW
ĐỊA CHỈ LINK CỦA YOUTUBE CỦA BUỔI TALK SHOW:
Nguồn: Ban truyền thông – HIC