Câu chuyện thành công: “Thành công từ mô hình sản xuất nấm Linh Chi tại Hà Nam”

1. Mưu sinh

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của tỉnh Hà Nam, ước mơ làm giàu đã thôi thúc anh Trần Ngọc Đại rời xa quê nhà vào nam mưu sinh, mảnh đất anh lựa chọn là thị xã Long Khánh nay là thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Sau quãng thời gian bươn chải nơi đất khách với hàng trăm thứ nghề cuối cùng anh tìm được đến với “cây nấm” năm 1997. Người thầy đầu tiên giúp anh Trần Ngọc Đại biết trồng nấm là Ông Bùi Quang Trung, nguyên giám đốc công ty Sinh học Công Thành, một trong những công ty sản xuất và chế biến nấm lớn nhất tỉnh Đồng Nai lúc đó. Gần 10 năm gắn bó với nghề nấm nhận thấy được tiềm năng phát triển cây nấm ở nước ta nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng là rất lớn và anh Trần Ngọc Đại quyết định khởi nghiệp.

2. Khởi nghiệp – Thất bại

Startup đầu tiên của anh Đại bắt đầu với 50m2 nhà xưởng sản xuất phôi giống nấm mộc nhĩ, thị trường anh lựa chọn là người dân trồng nấm trên địa bàn thị xã Long Khánh và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, ngay từ “mẻ” sản xuất đầu tiên, phôi giống sản xuất ra không tiêu thụ được với lí do nguồn cung của thị trường quá nhiều, lại là cơ sở mới chưa xây dựng được uy tín, chưa có nguồn khách hàng ổn định. Hậu quả, hàng hóa ồn ứ, không bán được, không thu hồi được vốn, nguồn vốn cạn kiệt, áp lực kinh tế bủa vậy, không còn cách nào khác, anh Đại đóng cửa xưởng sản xuất và trở lại với nghề đi làm thuê.

3. Tiếp tục thực hiện ước mơ – Gặt hái thành công

Năm 2010 và các năm sau đó là giai đoạn nghề nấm bắt đầu nhận được sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành; nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nấm được xây dựng và đầu tư, các phong trào sản xuất nấm ở các địa phương phát triển rầm rộ. Nắm bắt được cơ hội đó, anh Đại quyết định quay trở lại với nghề nấm.

Từ thất bại của lần đầu khởi nghiệp, lần khởi nghiệp này anh Trần Ngọc Đại đã cẩn trọng tính toán những bước đi phù hợp, chắc chắn hơn. Đó cũng chính là động lực để anh Trần Ngọc Đại tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (nay là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm) thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm là một trong những đơn vị đầu ngành về nghiên cứu và sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Ngoài việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, Trung tâm còn sản xuất và cung ứng các cấp giống của hơn 16 chủng loại nấm khác nhau phục vụ cho sản xuất nấm đại trà. Qua trao đổi, hiểu được tâm tư nguyện vọng của anh Đại, Trung tâm đã cử chuyên gia là các cán bộ kỹ thuật tư vấn, hỗ trợ anh Đại xây dựng định hướng sản xuất, thiết kế nhà xưởng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất giống. Từ việc tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, anh Đại đã lựa chọn nấm Linh chi là đối tượng sản xuất chính, thương hiệu “NẤM LINH CHI PHƯƠNG LINH” ra đời.  Cơ sở sản xuất của anh Trần Ngọc Đại đã dần dần khẳng định vị thế và gặt hái được nhiều thành quả nhất định. Sau 5 năm, quy mô xưởng sản xuất được mở rộng lên 500 m2 với công suất 1000 bịch phôi nấm LINH CHI trên ngày. Hiện nay, diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất phôi giống của anh Đại vào khoảng 1000 m2, cung ứng cho thị trường khoảng 3000 bịch phôi giống trên ngày, phủ sóng toàn bộ thị trường giống nấm của tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh lân cận.

4. Mở rộng chuỗi liên kết trong sản xuất

Hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi, vợ chồng anh Trần Ngọc Đại đã hướng đến xây dựng hệ thống cung ứng phôi giống nấm, vật tư sản xuất ngành nấm và kết hợp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Các hộ sản xuất nấm sẽ được cơ sở của anh Trần Ngọc Đại cung cấp đủ nguồn giống; các loại vật tư như túi nilon, cổ nhựa, nắp nhựa và hướng dẫn kỹ thuật. Sản phẩm nấm Linh chi sau khi thu hoạch sẽ được cơ sở anh Đại bao tiêu, thu mua và đối trừ. Trung bình, mỗi năm cơ sở anh Trần Ngọc Đại bao tiêu thu mua khoảng 20 tấn nấm LINH CHI khô cho người dân trồng nấm trên địa bàn.

Đặc biệt, năm 2019, nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường về sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo – một loại nấm dược liệu quý, anh Trần Ngọc Đại lại “khăn gói” ra Hà Nội tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm để học tập kỹ thuật sản xuất. Sau 3 tháng đào tạo tại Trung tâm, anh Đại trở về xây dựng xưởng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo tại Long Khánh, Đồng Nai. Hiện tại, cơ sở Trần Ngọc Đại có 2 xưởng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, 01 cơ sở sản xuất tại phường Xuân An, Thành phố Long Khánh, Đồng Nai với công suất 40.000 hộp trên tháng; 01 cơ sở sản xuất tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với công suất 20.000 hộp trên tháng với tổng diện tích trên 1000 m2.

5. Bài học kinh nghiệm

Hiện tại với 20 năm “vật lộn” trong nghề nấm, “quả ngọt” hiện tại khiến anh Đại nhận thấy rằng nghề nấm là một nghề vất vả, muốn thành công ngoài đam mê, quyết tâm thì cần có sự quyết tâm rất lớn. Nấm là một đối tượng sản xuất khó, yêu cầu cao về điều kiện sản xuất, vì vậy muốn sản xuất hiệu quả cần có sự am hiểu về đối tượng “cây nấm”, tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt và đặc biệt là tích cực đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nấm.

Anh Đại cũng cho rằng thị trường nấm ăn, nấm dược liệu ở nước ta vẫn có nhiều bất ổn bởi sự phát triển ồ ạt của sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thông minh đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn cho mình những sản phẩm an toàn và chất lượng cao thay thế những sản phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm và “Nấm Việt” sẽ là lựa chọn số 1. Quan trọng là cộng đồng người trồng nấm ở nước ta cần liên kết lại với nhau, hỗ trợ và liên kết nhằm tạo ra các chuỗi sản xuất nấm có giá trị cao

Xưởng sản xuất phôi nấm tại Long Khánh, Đồng Nai

Xưởng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo.

– Nguyễn Nam Giang –

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận